Nokia từ thống trị thị trường điện thoại đến 'sụp đổ' ra sao?
Nokia từng là một trong những tên tuổi hàng đầu trên thị trường di động với những sản phẩm đình đám một thời. Nhưng chiến lược sai lầm và phản ứng chậm chạp trước những biến đổi của thị trường đã khiến 'tượng đài' này sụp đổ nhanh chóng.
Khi lý giải về sự sụp đổ của Nokia, các nhà quan sát thường xoay quanh ba nguyên nhân chính, bao gồm: công nghệ yếu kém, sự kiêu ngạo của đội ngũ lãnh đạo cấp cao và thiếu tầm nhìn chiến lược.
Từ tay trắng lên thống trị thị trường điện thoại di động
Cái tên Nokia ra đời vào năm 1871 tại Phần Lan nhưng tới tận năm 1967, tập đoàn Nokia mới ra đời sau khi 3 công ty con sáp nhập từ năm 1922. Chiếc điện thoại Nokia đúng nghĩa đầu tiên Mobira Cityman 900 ra đời hai thập kỷ sau đó.
Sau đó, hệ điều hành Symbian được phát triển thành công trở thành bước ngoặt lớn giúp Nokia thống trị thị trường thế giới trong nhiều năm liền. Trong top 20 điện thoại bán chạy nhất trong lịch sử, Nokia chiếm hơn phân nửa.
Vào thời hoàng kim của hệ điều hành Symbian, mỗi mẫu điện thoại mới ra mắt của Nokia bán được hàng trăm triệu chiếc, giúp thương hiệu này nắm giữ tới 41% thị phần toàn cầu. Năm 2000, Nokia góp tới 4% vào GDP của Phần Lan.
Công nghệ yếu kém và sự kiêu ngạo của đội ngũ quản lý
Sau nhiều năm thống trị thị trường điện thoại di động với không có nhiều đột phá về công nghệ, Nokia đã gặp phải vấn đề của nỗi sợ tổ chức (organisational fear). Nó bắt nguồn từ cơ cấu tổ chức phức tạp và không rõ ràng của công ty, khiến việc ra quyết định trở nên chậm chạp khi có quá nhiều tầng chịu trách nhiệm.
Điều đó làm họ phản ứng chậm chạp trước các nguy cơ, ngay cả khi nhóm tình báo thị trường của Nokia đã biết về iPhone và iOS trước khi ra mắt một năm. Cho dù biết rằng Nokia cần một hệ điều hành tốt hơn để đối đầu với iOS, nhưng các nhà quản lý cấp cao cũng biết nó sẽ cần nhiều năm phát triển.
Trong khi không dám công khai thừa nhận sự yếu kém của Symbian trước iOS, các nhà quản lý cấp cao cũng hối thúc đội ngũ bên dưới nhanh chóng phát triển phần mềm mới để cạnh tranh với iPhone và iOS. Nhưng không phải nhà quản lý tầm trung nào cũng có nỗi lo như vậy. Nhiều người trong số họ tự tin thái quá vào năng lực phát triển của Nokia. Họ thường đánh giá thấp ưu điểm hiện tại của các hãng cạnh tranh và tin rằng các nhà phát triển trong tương lai của Nokia sẽ đánh bại đối thủ.
Hơn nữa, việc thiếu năng lực công nghệ của các lãnh đạo cấp cao tại Nokia không chỉ khiến họ ảo tưởng về tiến bộ công nghệ của công ty khi đặt ra các mục tiêu kinh doanh, mà còn không nhận ra các báo cáo sai sự thật của các nhà quản lý tầm trung. Điều này trái ngược hoàn toàn với Apple vào thời điểm đó, khi những nhà quản lý cấp cao đều là các kỹ sư.
Cuối cùng, các đánh giá sai lầm trên dẫn đến việc thay vì bố trí nguồn lực cho phát triển công nghệ, đội ngũ lãnh đạo Nokia đã quyết định phát triển hàng loạt điện thoại tầm thấp và tầm trung mới để đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của thị trường.
Ngôi vương sụp đổ vì thiếu tầm nhìn chiến lược
Vị thế dẫn đầu của Nokia bắt đầu lung lay khi Apple bất ngờ tung iPhone với hệ điều hành iOS và Google tung hệ điều hành Android vào năm 2007.
Thời điểm đó, dù vẫn là hãng sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới nhưng giá trị vốn hóa của Nokia đã sụt tới 75%, trong khi đối thủ Apple liên tục tăng trưởng vùn vụt. Ở thị trường điện thoại phổ thông, Nokia cũng để mất thị phần vào các dòng điện thoại giá thấp chạy hệ điều hành Android của Google.
Năm 2009, Nokia sa thải 1.700 nhân viên trên toàn cầu. Năm đó, công ty Phần Lan cuối cùng cũng thừa nhận đã phản ứng kém nhanh nhạy với những thay đổi của thị trường và thị phần đang dần rơi vào tay của các đối thủ như Apple, Samsung, HTC và LG.
Năm 2010, Stephen Elop - từng là giám đốc bộ phận phần mềm doanh nghiệp của Microsoft - được bổ nhiệm là CEO mới của Nokia. Ông cũng là CEO đầu tiên không phải người Phần Lan của Nokia.
Tới năm 2012, Nokia mất ngôi dẫn dầu thị điện thoại vào tay Samsung sau 14 năm thống trị. Thời điểm đó, CEO Stephen Elop đã có quyết định sai lầm là lựa chọn hệ điều hành sinh sau đẻ muộn với tính năng hạn chế Windows Phone để cạnh tranh với các đối thủ.
Elop bị cho là chỉ quan tâm tới kết quả trước mắt mà không xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn cho công ty. Nhiều người cũng đặt nghi vấn về việc Stephen Elop không chọn hệ điều hành Android đang rất phổ biến thời điểm đó mà lại chọn Microsoft.
Trong nỗ lực giảm thêm chi phí, vào đầu năm 2012, công ty này đóng cả nhà máy lâu đời nhất tại Phần Lan và chuyển sang sản xuất tại châu Á - nơi sau đó trở thành thị trường lớn nhất của Nokia. Dù doanh thu tương đối tốt, các thiết bị Windows Phone mới không giúp ích được nhiều cho Nokia trong quý 1/2012 khi lỗ tới 1,3 tỉ euro. Sau đó, Nokia sa thải khoảng 10.000 nhân viên.
Cùng năm, Nokia tung phiên bản Lumia 920 chạy hệ điều hành Windows Phone 8 nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Tháng 11.2012, Lumia 920 trở thành điện thoại bán chạy nhất tuần trên Amazon nhưng vẫn không đạt được mức doanh số đủ để giúp Nokia có lãi.
Tháng 9.2013, mảng thiết bị và dịch vụ cùng một số bằng sáng chế của Nokia bị Microsoft thâu tóm với giá 7,2 tỉ USD. Nokia chỉ còn là một công ty thiên về công nghệ và kinh doanh bản quyền chứ không còn sản xuất điện thoại nữa. Thương vụ này là dấu chấm hết cho công ty lừng lẫy một thời.
Năm 2013, trong buổi thông báo việc bán thương hiệu Nokia cho Microsoft, CEO của Nokia đã nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Chúng tôi không làm gì sai cả nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn thất bại".
Long Hải (tổng hợp)