Nơm nớp lo mất an toàn bay vì flycam bủa vây sân bay
Hoạt động tự phát của phương tiện bay không người lái đang trở thành mối nguy lớn của ngành Hàng không dân dụng.
Mối nguy lớn cho an toàn bay
Nguồn tin của PV Báo Giao thông cho hay, tổ lái chuyến bay VNA362 từ Hà Nội đi Frankfurt sau khi vừa cất cánh phải báo cáo về Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài có 3 vật phát sáng bay hướng về phía máy bay. Tọa độ của vật thể bay phát sáng được xác định ở khu vực Yên Phong, Bắc Ninh. Do xác định vật thể lạ ở phía dưới máy bay, không có nguy cơ gây mất an toàn, tổ bay vẫn tiếp tục hành trình như kế hoạch.
Nhiều chuyên gia nhận định, những vật thể bay phát sáng này là flycam (thiết bị bay điều khiển từ xa dùng để chụp ảnh và quay phim từ trên không).
Trước đó, hôm 19/9, tàu bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air từ Seoul đến TP HCM phải hạ cánh khẩn nguy tại Tân Sơn Nhất. Tổ bay đã thông báo trục trặc kỹ thuật và xin trợ giúp mặt đất lúc hạ cánh sau khi thấy có tiếng động lớn ở mũi máy bay lúc đang tiếp cận hạ cánh ở độ cao hơn 600m.
Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục Hàng không VN) sau đó cho hay, kết quả điều tra ban đầu, Cục Hàng không VN đã xác định khả năng máy bay va chạm với vật thể lạ, do tác động từ bên ngoài, không phải là chim. “Tuy nhiên, việc xác định là vật thể nào vẫn đang trong quá trình điều tra và làm rõ”, ông Tấn nói.
Cũng theo đại diện Cục Hàng không VN, đơn vị này đã làm việc với Cảng vụ Hàng không miền Nam, phía Hàn Quốc để làm rõ các vấn đề liên quan. Công tác điều tra cũng có sự tham gia của Bộ Quốc phòng trong việc kiểm soát các thiết bị bay siêu nhẹ, thiết bị bay không người lái.
Trước đó, tại CHK quốc tế Liên Khương, lực lượng kiểm soát viên không lưu liên tục phát hiện vật thể lạ phát sáng trên đường cất/ hạ cánh. Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp Công an huyện Đức Trọng và một số huyện, thành thị lân cận tiến hành xác minh và phát hiện các vật thể “lạ” chính là flycam. Cụ thể, trong phạm vi bán kính khoảng 30km với tâm điểm là Sân bay Liên Khương, có tới 16 trường hợp sở hữu và sử dụng flycam.
Quản lý sử dụng flycam chặt hóa lỏng
Khảo sát của PV trên một số trang bán hàng trực tuyến cho thấy việc sở hữu flycam không quá khó. Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản, chỉ cần vài triệu đồng là người chơi có thể sở hữu chiếc flycam ưng ý.
Thế nhưng, hiện tại, việc quản lý hoạt động của flycam ở Việt Nam được thực hiện theo Nghị định số 36/2008 của Chính phủ quy định về quản lý tàu bay không người lái và thiết bị bay siêu nhẹ. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh, phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay... Mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay.
Quy định được cho là “chặt chẽ quá mức thành gây khó” này khiến nhiều người nảy sinh tâm lý “bay trộm”, không xin phép.
“Tôi là dân ảnh, đặc biệt thích flycam. Vẫn biết muốn bay thì phải xin phép nhưng thực tế là thủ tục quá phức tạp. Mỗi lần bay phải đến Bộ tổng Tham mưu xin phép, thời gian chờ đợi lại lâu. Nên thường bay… trộm. Bạn bè của tôi cũng thế. Bay một vài lần không bị phạt thì lại bay tiếp”, một người chơi flycam chia sẻ.
Tâm lý người chơi flycam là thế, việc quản lý lại chưa chặt chẽ nên flycam đã và đang trở thành nguy cơ có thật của ngành Hàng không.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Thái Trung cho hay, các nhà chức trách hàng không trên thế giới như EASA hay FAA đều đã ban hành các quy định chặt chẽ để quản lý các thiết bị không người lái. Theo đó, các thiết bị phải được đăng ký quản lý, phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cụ thể mới được sử dụng...
Tại Vương quốc Anh, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc cấm các thiết bị bay không người lái hoạt động gần sân bay. Bản thân sân bay Gatwick và Heathrow đã chi ra nhiều triệu bảng Anh để mua thiết bị chống thiết bị bay không người lái để đảm bảo an toàn an ninh hàng không cho sân bay.
Còn tại Việt Nam, ông Trung cho rằng, cơ quan quản lý cần có các quy định và hướng dẫn cụ về trang thiết bị bay không người lái, từ việc quản lý, đăng ký thậm chí cấm một số thiết bị nếu có tính năng đặc biệt có thể có hại cho an ninh an toàn hàng không.
Cùng đó, cần có sự phối hợp đồng bộ và tổng thể giữa Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để có các chế tài đồng bộ, mạnh mẽ trong việc quản lý các thiết bị bay không người lái và các hành động cần thiết khi có các tình huống mất an toàn an ninh xảy ra đối với chuyến bay do các thiết bị bay không người lái gây ra.
Ngoài ra tại sân bay, cần nghiên cứu phương án lắp đặt hệ thống chống hoặc phát hiện cảnh báo thiết bị bay không người lái, giúp cho sân bay, hãng hàng không, các bộ phận quản lý vùng trời có các hành động nhanh chóng và chính xác, kịp thời đảm bảo tuyệt đối an toàn an ninh trong vận tải hàng không ngày càng cao trong thời điểm này.
Được biết, Bộ Quốc phòng cũng đang xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định 36 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12 tới.
Thế giới đau đầu vì thiết bị bay không người lái
Dẫn thông tin hồi đầu năm nay, sân bay Heathrow của Anh đã bị gián đoạn khai thác, tạm ngừng trong vòng 1,5 tiếng vì thiết bị bay không người lái xâm nhập vào sân bay, một cơ trưởng kỳ cựu khẳng định: “Thiết bị bay không người lái hiện nay đang là một mối nguy hiểm mới xuất hiện đối với ngành hàng không thế giới”.
Thực tế, trước vụ việc xảy ra tại sân bay Heathrow, sân bay Gatwick cũng của Anh bị tình huống tương tự với hơn 140.000 hành khách tại sân bay bị ảnh hưởng trong 36 giờ hỗn loạn từ ngày 19-21/12/2018. Khoảng 1.000 chuyến bay đã bị hủy trong 3 ngày sau khi phát hiện máy bay không người lái.