Nơm nớp nỗi lo ngập lụt trong mùa mưa bão
'Đến hẹn lại lo' mặc dù các địa phương đã chủ động xây dựng phương án, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi mùa mưa bão về, tuy nhiên không ít hộ dân sinh sống trên địa bàn TP Thanh Hóa vẫn thấp thỏm, lo âu trước tình trạng ngập úng, cuộc sống bị đảo lộn.
Tuyến đê cấp I sông Mã có chiều dài 2 km chia cắt phường Thiệu Dương thành hai nửa, trong đó có 7 tổ dân phố ngoại đê (kéo dài từ phố 4 đến phố 10) với tổng số 2.284 hộ và 3 tổ dân phố nội đê. Ông Dương Đình Thanh, tổ trưởng tổ dân phố 10, cho biết: Nhiều năm qua, cứ mỗi khi mùa mưa bão về, hơn 762 nhân khẩu nơi đây luôn rơi vào tình trạng thấp thỏm, lo lắng, cuộc sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Do sinh sống ở khu vực trũng, nên cứ hễ có trận mưa to, nước lại ngập sâu các con ngõ, thậm chí nhiều ngôi nhà còn bị ngập từ 1,5 – 2m; hoa màu và tài sản của người dân bị nhấn chìm. Sau mỗi lần ngập lụt như vậy, giá trị thiệt hại ước tính là hàng trăm triệu đồng. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như kinh tế của người dân. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều gia đình đã chủ động, chuẩn bị phương tiện bảo hộ như thuyền, áo phao, xây nhà móng cao, một số nhà cấp bốn, thấp, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ bà con xây thêm gác mái chống lụt để bảo vệ người và tài sản… Đây cũng chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài rất mong chính quyền địa phương, các cấp, các ngành sớm có phương án khắc phục tình trạng này, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Cũng tương tự như vậy, ở phường Thiệu Khánh, hàng trăm hộ dân tại khu phố Giang Thanh cũng luôn sống trong nỗi lo âu thường trực khi mùa mưa bão về. Ông Lê Văn Ninh, bí thư chi bộ kiêm trưởng phố Giang Thanh thông tin: Người dân ở đây trước kia sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, vận tải đường sông. Vài năm trở lại đây con em có điều kiện đi học nên phần lớn đều thoát ly đi làm ăn xa. Số ít vẫn bám trụ với nghề sông nước, nay đây mai đó. Do các hộ dân sinh sống dọc sông Chu, mùa mưa bão, nước lũ dâng cao gây tình trạng ngập úng cục bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đỉnh điểm là trận lũ năm 2007 và năm 2017 cuốn đi nhiều tài sản của các hộ dân, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Rút kinh nghiệm từ những trận lũ đó, hàng năm bà con đã chủ động các biện pháp ứng phó. Khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ cao có lũ bà con sẽ di chuyển vật nuôi đến nơi có địa hình cao ráo để gửi lương thực, nhu yếu phẩm, còn tài sản khác được đưa lên cao đảm bảo an toàn…
Chia sẻ về phương án phòng, chống thiên tai năm 2023, ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thiệu Khánh, cho biết: Phường hiện được chia thành 9 phố, trong đó 3 phố có dân số sinh sống ở khu vực ngoại đê nên thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi có mưa bão. Để đảm bảo người dân không phải chịu cảnh ngập úng, hàng năm ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của phường thường xuyên tổ chức kiểm tra hệ thống hành lang đê, cầu cống để có phương án tu sửa, nâng cấp; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, chống úng, chống sạt lở, phương án di dân, đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư… nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi mùa mưa bão về.
TP Thanh Hóa hiện có 3 sông chính là sông Chu, sông Mã và sông Lạch Trường, 5 tuyến đê với tổng chiều dài 36,73 km là tuyến đê xung yếu có vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống lũ, lụt, bảo vệ an toàn về tính mạng và cơ sở vật chất của Nhân dân. Trong đó, các tuyến đê thuộc 12 phường, xã: Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Hàm Rồng, Long Anh, Nam Ngạn, Tào Xuyên, Hoằng Quang, Hoằng Đại, Đông Hương, Đông Hải, Quảng Hưng, Quảng Phú là những nơi trực tiếp chịu ảnh hưởng của lũ sông, triều cường. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tuyến đê tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, bão. Điển hình năm 2022, do ảnh hưởng của con bão số 4 làm sụt lún mái đê phía sông đoạn từ K49+950-K50+950 đê tả sông Mã, xã Hoằng Đại với chiều dài khoảng 1.000m. Tuyến đê đi qua khu vực này bảo vệ tính mạng, tài sản Nhà nước và người dân 5 xã giáp đê tả sông Mã, với số dân khoảng 29.000 người.
Để chủ động phòng, tránh, khắc phục có hiệu quả, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, phát triển bền vững kinh tế xã hội, hàng năm UBND TP Thanh Hóa, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các cấp, đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị công tác phòng chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời xây dựng phương án sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin, dự báo về diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra...