Nơm nớp sống gần đường ray ở nội thành Đà Nẵng

Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng đã bị 'treo' hơn 18 năm, khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn, bất tiện. Họ cũng nơm nớp lo sợ nguy hiểm mỗi khi các đoàn tàu nối tiếp chạy qua.

Gần 20 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh (76 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) từ Thanh Hóa vào Đà Nẵng lập nghiệp. Có ít vốn, bà mua 70 m2 đất trong một con hẻm đường Trần Cao Vân dựng nhà.

Nhà bà Oanh hàng chục năm qua phải "sống chung" với tiếng ồn mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Theo lời bà cụ, vì đã sống ở đây lâu nên bà nhớ chắc chắn mấy giờ tàu chạy, quen dần với mùi khét của đường ray. Cũng chính những âm thanh từ chuyến tàu nối tiếp nhau đó khiến bà lâm vào tình trạng mất ngủ triền miên.

Người dân Đà Nẵng mong sớm di dời ga tàu ra khỏi trung tâm thành phố Dự án di dời ga Đà Nẵng đang gặp khó vì vướng cơ chế và khó tìm nhà đầu tư, người dân địa phương mong mỏi ga tàu hoạt động xa khu dân cư để cải thiện giao thông và tiếng ồn.

"Sống chung" với tiếng ồn

Đã thành thói quen, cứ khoảng 4h sáng bà Oanh lại thức giấc. Theo lời cụ bà, đã nhiều năm qua hầu như bà bị ám ảnh bởi tiếng xập xình và còi hú mỗi khi có tàu hỏa chạy qua.

"Ngày xưa còn trẻ thì không sao. Giờ vợ chồng đều lớn tuổi nên mỗi khi tàu lướt qua là giật mình, không ngủ lại được nữa", bà Oanh nói và cho hay hàng trăm hộ dân lân cận đều chung cảnh ngộ như vậy suốt hàng chục năm qua.

 Hệ thống đường ray nằm sát nhà dân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Hệ thống đường ray nằm sát nhà dân. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Cạnh nhà bà Oanh 2 dãy nhà, chị Nguyễn Thị Luyến (ngụ quận Thanh Khê) cũng thấy bất tiện khi phải sống gần đường ray tàu lửa nhiều năm.

Những ngày hè, cái nóng rát da do đường ray hấp nhiệt hắt vào nhà. Sống lâu như vậy giờ cũng quen dần

Ông Nguyễn Văn Thy (phường Chính Gián, quận Thanh Khê)

Người phụ nữ này kể những lúc tàu hỏa đi qua tạo ra những tiếng xập xình trên đường sắt, còi hú khiến 2 cháu nhỏ trong nhà khóc thét.

"Mấy lần tôi cũng định bán nhà ở đây để đi nơi khác cho yên tĩnh nhưng giá bất động sản mỗi lúc một cao nên chưa thực hiện được", chị Luyến nói.

Già nửa đời người gắn bó bên đường tàu, ông Nguyễn Văn Thy (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê), nói phải quen với sự nóng nực, bề bộn, ầm ĩ của tiếng còi tàu. "Những ngày hè còn phải chịu cái nóng rát da do đường ray hấp nhiệt hắt vào nhà. Sống lâu như vậy giờ cũng quen dần", ông Thy chia sẻ.

Nguy hiểm rình rập

Theo ghi nhận của Zing, tại địa bàn phường Chính Gián và Xuân Hà (quận Thanh Khê) đoạn từ Hà Huy Tập đến Thuận An 6 có khoảng 1 km đường sắt chạy qua các khu dân cư nhưng hai bên không có rào chắn.

Hàng ngày có hàng chục chuyến tàu qua lại để ra vào ga Đà Nẵng. Tại các khu dân cư dọc 2 bên đường sắt, nhà dân ở sát bên với khoảng cách chưa đầy 3 m, mở cửa ra là thấy ngay đường sắt.

Nhà cách đường ray khoảng 2 m, ông Tôn Thất Đán (ngụ tổ 27, phường Xuân Hà), cho biết mấy chục năm qua ở khu vực này không được làm rào chắn ngăn cách giữa đường tàu và nhà dân.

 Nhiều người vẫn ở trong khu vực rào chắn khi có đoàn tàu chạy qua. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nhiều người vẫn ở trong khu vực rào chắn khi có đoàn tàu chạy qua. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Người dân ở đây chỉ cần vài bước chân là có thể bước lên đường ray, nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lo nhất là trẻ con vì các cháu chưa ý thức được nguy hiểm. Mỗi khi tàu chạy qua ai cũng sợ vì quá gần. Khu vực này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm nhưng vẫn không có rào chắn”, ông Đán lo lắng.

Hàng ngày chứng kiến cảnh người vô tư đi qua lại, thậm chí trẻ em đứng dưới đường sắt vui chơi, ông Nguyễn Bình (52 tuổi, trú phường Chính Gián), lo ngại khi nhiều chỗ không có rào chắn ngăn cách đường dân sinh với đường ray xe lửa, rất nguy hiểm.

"Vấn đề này đã tồn tại hàng chục năm qua và trở thành 'chiếc bẫy' tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người dân, nhất là trẻ em", ông Bình lo lắng và cho hay hai năm qua, khu vực này đã xảy ra 3 vụ tai nạn, khiến 2 người chết và một nạn nhân bị thương.

 Tại nút giao đường Lê Độ và đường sắt từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tại nút giao đường Lê Độ và đường sắt từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Cuối tháng 3 vừa rồi có một cháu bé chưa đầy 2 tuổi chạy ra trước nhà chơi thì có tàu hỏa chạy qua. Lực hút tàu lớn đã khiến cháu ngã xuống đường đá, chấn thương sọ não, gãy xương. Gia đình đưa cháu đi bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi", người đàn ông 52 tuổi xót xa kể.

Ông Võ Thành Mỹ (62 tuổi, trú phường Xuân Hà, Thanh Khê), cho biết cuộc sống của hàng trăm hộ dân gần đường ray đang phải đối mặt những rủi ro rình rập. Từ nhiều năm trước, ông và nhiều người dân khác từng vui mừng khi nghe tin hệ thống đường sắt ở Đà Nẵng sẽ được di dời ra ngoại thành.

Bản thân em cũng mong đường sắt di dời để người dân đi lại thuận lợi, di dời đến nơi mới sẽ khang trang, đẹp hơn

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (nhân viên gác chắn đường sắt Đà Nẵng)

Theo ông Mỹ, Nhà nước và lãnh đạo Đà Nẵng nên nghiên cứu di dời, không để đường sắt nằm trong khu dân cư như hiện nay.

"Trong trung tâm thành phố không nên có đường sắt vì dễ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng hành lang đường sắt. Hơn nữa, khi tàu đi qua thường gây ô nhiễm tiếng ồn cho người dân 2 bên đường", ông Mỹ nói và cho biết đã 18 năm trôi qua, ước vọng của dân về việc di dời đường sắt vẫn chưa thành hiện thực.

Trao đổi với Zing, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, nhân viên gác chắn (ở đường Lê Độ, quận Thanh Khê), cũng cho rằng việc di dời đường sắt khỏi trung tâm thành phố là điều nên làm sớm để người dân bớt khổ và việc lưu thông, đi lại cũng thuận lợi hơn.

Đoàn Nguyên - Thanh Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nom-nop-song-gan-duong-ray-o-noi-thanh-da-nang-post1333740.html