Nón đan truyền thống trong đời sống của đồng bào Hà Nhì Mường Nhé

Cũng giống như cộng đồng các dân tộc khác, đồng bào Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Nhé, Điện Biên còn giữ được nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa riêng có của dân tộc mình. Trong đó phải kể đến chiếc nón đan truyền thống không thể thiếu trong đời sống của đồng bào.

Từ xa xưa, chiếc nón đan truyền thống đã gắn liền với đời sống của đồng bào Hà Nhì ở huyện biên giới Mường Nhé - Điện Biên.

Chiếc nón được bà con dùng cho cả nam, nữ; đội che nắng, che mưa, khi đi làm ruộng, làm nương đều có chiếc nón. Sau mỗi lần đội nón đi mưa thì chiếc nón sẽ được treo lên gác bếp cho khô, vừa thêm bền, độ bền của mỗi chiếc nón có thể đến vài ba năm. Đặc biệt, theo tục lệ của người Hà Nhì khi con gái về nhà chồng, ngoài mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, đeo một cái lu cở sau lưng thì nhất thiết phải đội chiếc nón đan và kiêng không để nón rơi trong suốt quãng đường đi về nhà chồng.

Ông Trang Trang Sinh học đan nón từ ông và bố, thành thạo đan nón từ năm 12 tuổi

Ông Trang Trang Sinh học đan nón từ ông và bố, thành thạo đan nón từ năm 12 tuổi

Chị Chang Khò Pớ, bản Sen Thượng, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: “Khi con gái về nhà chồng, bố mẹ sẽ chuẩn bị cho mỗi người một cái nón. Nón nó như của hồi môn bố mẹ gửi gắm cho con gái. Tức là khi con gái về nhà chồng phải đội nón từ cổng bố mẹ đẻ đến nhà chồng mới tiến hành làm lễ, nên món quà này được cất giữ rất cẩn thận, nó đi liền với truyền thống của dân tộc Hà Nhì”.

Khác với chiếc nón lá của người Kinh, chiếc nón đan của đồng bào Hà Nhì nhỏ gọn hơn và từ chóp đến vành nón được uốn hơi cong bằng lạt. Chất liệu để làm nên chiếc nón này là một loại cây giang mọc tự nhiên trong rừng (tiếng Hà Nhì gọi là hà cừ). Loại cây này bền dẻo, không bị gãy, không vỡ, không mọt.

“Để có lạt đan thành cái nón, người đàn ông phải mang theo dao vào rừng chọn những cây giang không bị gãy, cụt ngọn, vì những cây gãy ngọn khi chẻ sẽ giòn, hay bị mọt. Mang về phơi khô, rồi dùng dao thật sắc để đánh nhẵn. Công đoạn đánh nhẵn là công đoạn khó nhất vì phải làm tỷ mỷ, kỳ công. Phía trong chiếc nón sẽ đan khung để giữ. Lớp ngoài chiếc nón sẽ đan kín để mưa không thấm dột. 3 ngày mới xong một cái nón”, chị Chang Khò Pớ nói.

Việc đan nón cũng tỷ mỷ, phải tầm 3 ngày mới xong một chiếc nón

Việc đan nón cũng tỷ mỷ, phải tầm 3 ngày mới xong một chiếc nón

Theo ông Chang Chang Sinh, người am hiểu về văn hóa Hà Nhì ở bản Sen Thượng, chiếc nón đan gắn liền với đời sống của đồng bào như vậy nên người Hà Nhì biết đan nón từ sớm.

Bản thân ông Sinh đã học đan nón từ ông và bố của mình và biết đan thành thạo từ năm 12 tuổi. Đến nay, ông vẫn duy trì nghề đan nón truyền thống của dân tộc mình. Ngoài phục vụ cho gia đình, ông Sinh còn đan nón phục vụ nhu cầu của người dân trong bản, các đội văn hóa, văn nghệ biểu diễn múa nón, với giá bình quân 300.000 đồng/cái. Từ bán nón, gia đình ông Sinh vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần gìn giữ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Mặt trong của nón đan của đồng bào Hà Nhì

Mặt trong của nón đan của đồng bào Hà Nhì

Tuy nhiên, ông Sinh rất trăn trở khi thấy nghề đan nón của dân tộc ông có nguy cơ mai một dần. Đơn cử như ở Bản Sen Thượng có gần 100 hộ dân, 100% là dân tộc Hà Nhì sinh sống, nhưng chỉ có vài ba người như ông Chang Chang Sinh còn duy trì nghề đan nón. Những người biết đan thì tuổi đã cao, mắt mờ, tay chậm. Còn thế hệ trẻ bây giờ lại không mấy mặn mà học hỏi, bởi xã hội phát triển, có nhiều loại mũ, nón làm bằng chất liệu khác thuận tiện hơn.

Để nghề đan nón truyền thống của người Hà Nhì không bị mai một, ông Chang Chang Sinh sẵn sàng truyền dạy cho bất cứ ai muốn học hỏi: “Lớp thế hệ mới bây giờ, các cháu ai có nhu cầu thì đến học. Học nghề đan nón truyền thống của dân tộc Hà Nhì mình, tôi sẽ dày công dạy dỗ để cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Hà Nhì”.

Một chiếc nón Hà Nhì hoàn chỉnh

Một chiếc nón Hà Nhì hoàn chỉnh

Mong muốn của ông Chang Chang Sinh và những người yêu văn hóa Hà Nhì là sẽ bảo tồn, phát huy được nghề đan nón truyền thống. Để hình ảnh chiếc nón vẫn mãi cùng bà con lên nương, xuống đồng, tiễn cô dâu về nhà chồng, là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Hà Nhì được duy trì từ đời này qua đời khác.

Tòng Đức Anh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/non-dan-truyen-thong-trong-doi-song-cua-dong-bao-ha-nhi-muong-nhe-post1194280.vov