Nón Huế làm từ lá bàng rừng bán 450 nghìn đồng mỗi chiếc vẫn 'cháy' hàng
Khác với những chiếc nón lá truyền thống, một người đàn ông ở Thừa Thiên Huế đã dày công vào rừng tìm hái những chiếc lá bàng để chế tác ra những chiếc nón lá trong suốt độc đáo.
Đến phường Kim Long, thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) hỏi về người đàn ông làm nón bằng lá bàng rừng không ai không biết ông Võ Ngọc Hùng (63 tuổi), một nghệ nhân làm nón lá nổi tiếng ở xứ Huế.
Nhớ lại lúc đầu bắt tay vào làm nón bằng những loại lá cây ông Hùng cho biết, trước đây ông đã thử làm nón với nguyên liệu lá mít, lá bồ đề, sa kê và lá bàng. Tuy nhiên vì lá bàng ở thành phố nhỏ, dễ bị sâu, khi ngâm với Baking Soda sẽ dễ bị nhàu nát không đáp ứng được việc sử dụng. Trong khi đó, những loại lá còn lại thì quá nhỏ nên từ đỉnh nón xuống đáy nón phải chắp vá nhiều lần khiến chiếc nón không có độ trong suốt và không đáp ứng được yêu cầu về thẩm mĩ.
Vì thế, ông Hùng luôn trăn trở về việc làm ra một sản phẩm nón lá đặc biệt và mang lại dấu ấn sâu đậm cho những du khách cũng như người dân Huế.
“Tôi đã tìm hiểu nhiều và phải mày mò gần hai năm, thử đủ các loại lá nhưng đều vô vọng. Một lần tình cờ đi chơi trong rừng ở khu vực thị xã Hương Trà tôi đã phát hiện ra cây bàng rừng. Tôi liền hái một lá về thử nghiệm và may mắn thành công”, ông Hùng cho biết.
Từ khi tìm được loại lá phù hợp, mọi người thường thấy hình ảnh một người đàn ông mang theo những chiếc bao tải, con dao... một mình băng qua bờ bụi để thu về những bao lá bàng rừng xanh. Theo ông Hùng, những ngọn lá bàng rừng to hơn, dày hơn, phù hợp để tạo hình, mà không lo bị rách, bị nhàu.
Để biến những chiếc lá bàng rừng thành nguyên liệu làm nón, ông phải xử lý lá bằng cách ngâm với Baking Soda để lớp màu xanh của lá phai nhạt rồi chùi nhẹ cho bong ra. Thao tác này nhìn thì dễ nhưng thật sự rất khó, nếu ai làm chưa quen thì lá sẽ bị rách.
“Tôi phải dùng bàn chải cẩn thận chải sạch đến khi thu được chiếc lá trong suốt, toàn đường xương gân. Đây là khâu vất vả nhất vì dùng bàn chải đánh răng chải trên chiếc lá mỏng tang và phải chải theo chiều thuận, kỹ lưỡng. Nếu không cẩn thận một đường sống lá bị rách thì coi như bỏ hết”, ông Hùng cho biết.
Ngoài việc tìm tòi và xử lý lá, công đoạn chằm nón cũng đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mẩn. Để đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phẩm, ông Hùng đã thuê những người thợ chằm nón chuyên nghiệp thực hiện, sản phẩm khi hoàn thiện có thể đi dưới mưa, không sợ bị ướt.
Để chiếc nón có độ bền, thay vì chọn lớp dầu nón làm nón đổi sang màu vàng xỉn, ông Hùng chọn sơn bóng PU. Loại sơn này giúp giữ màu thật của xương lá, vừa tăng độ chống chịu với thời tiết.
Mỗi chiếc nón được kết từ hơn chục chiếc lá bàng rừng với giá bán 450.000 đồng/chiếc. Mặc dù có mức giá khá cao nhưng ông vẫn làm không kịp để xuất bán theo yêu cầu của khách hàng. Theo những vị khách chứng kiến sự công phu trong việc làm ra chiếc nón lá bàng rừng, giá thành như vậy là phù hợp, xứng đáng để bỏ tiền ra mua.
“Nhiều người họ đặt trăm cái, nghìn cái mà có đủ đâu, làm cật lực lắm thì cả tháng mới được 60 cái. Thêm nữa đặt hàng hôm nay thì phải tháng sau mới có mà giao cho khách, vì sản phẩm làm ra khá lâu nhằm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp mắt”, ông Hùng nói.
Chia sẽ về hướng phát triển trong thời gian tới, ông Hùng cho biết ông sẽ in tranh trên xương lá và chuẩn bị thử nghiệm đưa lên nón những hình ảnh về danh thắng Huế hay những chất liệu lá khác kết hợp với lá bàng rừng nhằm tạo thêm một dòng sản phẩm mới để du khách có nhiều sự lựa chọn mỗi khi ghé thăm Cố đô Huế.