Nón lá An Khoái - Văn Quán được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể
Ở nước ta nói chung, Hà Nam nói riêng, những năm gần đây, việc xây dựng, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... đã được các doanh nghiệp quan tâm hơn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đã tham gia thị trường thế giới, đòi hỏi các sản phẩm này không chỉ đảm bảo về chất lượng mà phải có thương hiệu, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương có sản phẩm truyền thống vẫn chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đúng về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm hàng hóa của làng nghề ở địa phương mình. Chính vì vậy, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng khó tiêu thụ. Lý do là sản xuất vẫn mang tính chất hộ cá thể, tự sản xuất, tự tìm thị trường tiêu thụ, chưa có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là chưa thành lập được các tổ chức tập thể (hợp tác xã, hội, hiệp hội sản xuất và kinh doanh…) để quản lý việc sản xuất, giám sát về chất lượng sản phẩm.
Tại xã Liêm Sơn (Thanh Liêm), nghề làm nón lá có truyền thống lâu đời. Nón lá được người dân thôn An Khoái, thôn Văn Quán gìn giữ, phát triển. Nón lá được khâu quanh năm, gần như gia đình nào cũng có người làm nón tại nhà. Mỗi ngày mỗi người chỉ làm được một cái nón, người trẻ hơn tinh mắt làm loại nón đẹp công cao hơn, được khoảng 50 nghìn đồng/ngày, người nhiều tuổi hơn mắt kém làm nón loại 2, 3 chỉ được 20-25 nghìn đồng/ngày. Hiện nón loại 1 đẹp nhất bán được khoảng 100 nghìn đồng/cái, loại 2, 3 khoảng 50-70 nghìn/cái. Cũng thi thoảng có người đặt nón cưới, nón tặng loại đặc biệt giá 200-300 nghìn đồng/cái thì được công cao hơn nhưng số này rất ít.
Năm 2007, làng nghề nón lá An Khoái - Văn Quán được công nhận là làng nghề truyền thống. Theo thống kê của UBND xã Liêm Sơn, hiện nay, thôn An Khoái, thôn Văn Quán có 830 hộ dân, hơn 200 hộ làm nghề. Mỗi tháng, làng cung cấp ra thị trường khoảng 5.000-6.000 chiếc nón. Sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán đã được bán ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính vì vậy, để khẳng định uy tín, chất lượng của sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán cũng như nhằm mục đích quảng bá, nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến phát triển của nghề truyền thống và nguồn thu nhập của người lao động tại địa phương thì việc bảo hộ nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái – Văn Quán cho sản phẩm nón lá thôn An Khoái, Văn Quán là rất cần thiết. Do vậy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm đề xuất thực hiện dự án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái - Văn Quán dùng cho sản phẩm nón lá của thôn An Khoái và thôn Văn Quán, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Mục tiêu của dự án là triển khai các hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm nón lá thôn An Khoái, thôn Văn Quán dưới hình thức nhãn hiệu tập thể; xây dựng mô hình quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nón lá An Khoái - Văn Quán; xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, giữ gìn, phát huy giá trị sản phẩm của địa phương.
Sau 2 năm triển khai dự án, Hội Sản xuất và Kinh doanh nón lá An Khoái – Văn Quán đã được thành lập, thu hút 50 hội viên tham gia. Tuy điều kiện kinh tế, quy mô sản xuất khác nhau song các hội viên đều thể hiện sự đoàn kết, hỗ trợ nhau, cùng quyết tâm xây dựng, đưa thương hiệu "Nón lá An Khoái –Văn Quán” đến với các thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học Công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm giúp hoàn thiện bộ hồ sơ nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Nón lá An Khoái – Văn Quán" tại Cục Sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể, như: xây dựng quy trình, quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể; quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể; quy trình kiểm soát nhãn hiệu và chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; quy định kỹ thuật sản xuất nón lá mang nhãn hiệu tập thể...
Dự án cũng đã tiến hành xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể: thiết kế bộ nhận diện (nhãn mác cho sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc...); tuyên truyền quảng bá sản phấm (xây dựng phóng sự giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể và phát trên truyền hình, đăng bài trên báo và bản tin khoa học công nghệ); giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Hồng – Hà Nam 2023, Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng lần thư XIII tại tỉnh Nam Định, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng thủ đô 2023; Hội chợ Techfest tại Hải Phòng năm 2024… và một số điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (chùa Địa Tạng Phi Lai; chùa Cây Thị...).
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ và Kiểm định, Kiểm nghiệm đã tổ chức tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu tập thể; phổ biến các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể và nâng cao năng lực phát triển thị trường cho các tác nhân chuỗi giá trị… góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường.
Đến nay, sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể. Đây là niềm vui, niềm vinh dự không chỉ với người sản xuất nón lá nói riêng mà là niềm vui chung của cả người dân thôn Khoái, thôn Quán. Việc xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán khẳng định sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán là sản phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước pháp luật. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh, tăng giá trị và uy tín của sản phẩm nón lá An Khoái – Văn Quán trên thị trường.