Nón lá - nét đẹp văn hóa Tày
Cũng như làn điệu Then, Lượn hay áo chàm truyền thống thì chiếc nón là vật không thể thiếu trong văn hóa, cũng như đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Đây không chỉ là vật che mưa, che nắng mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo trong đời sống hàng ngày của người Tày.
Cùng với bộ y phục, chiếc nón lá tô thêm vẻ đẹp nền nã, duyên dáng của người phụ nữ Tày. Từ thời xa xưa, người dân tộc Tày luôn coi trọng việc làm ra chiếc nón. Nó thể hiện sự khéo léo, duyên dáng của người con gái Tày. Nhiều cô gái Tày từ khi còn rất bé đã được các bà các mẹ dạy cách đan nón.
Nghệ nhân làm nón Hoàng Thị Tiến - xã Quy Kỳ, Định Hóa (Thái Nguyên) chia sẻ: Người Tày quan niệm, chiếc nón là vật không thể thiếu trong cuộc sống, là nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Khi cô dâu về nhà chồng, ngoài những lễ vật mang theo như chăn màn, chậu, chiếu còn có chiếc nón Tày xinh xinh đem theo với nhiều ý nghĩa. Là vật kỷ niệm của cha mẹ để lại với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo một lòng yêu thương chồng con.
Để làm ra được một chiếc nón, những người phụ nữ Tày phải rất khéo léo, tỉ mỉ từ việc chọn cây giang, cây tre đến việc tuốt nan để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Bởi khi đan, người thợ phải sử dụng đến kỹ thuật đan mắt cáo, tức là đan ba đôi lại với nhau tạo thành hình lục giác. Xong phần đan khuôn nón đến phần chọn lá cọ. Lá cọ được chọn phải là lá bánh tẻ, không được già quá mà cũng không được non quá để khi làm nón sẽ có độ trắng và độ giai cần thiết. Người Tày thường lấy lá cọ về hơ qua lửa rồi đem phơi sương hai, ba đêm cho lá khô và phai hết màu xanh. Bởi lá càng trắng làm nón càng đẹp. Trong các công đoạn làm nón thì công đoạn chọn lựa lá và làm phẳng lá là công đoạn đòi hỏi nhiều công phu cẩn thận nhất, để chiếc nón làm ra không bị dòn và rách.
Chiếc nón hoàn thành nhìn từ bên ngoài như một chiếc nấm, nổi bật bên trên màu trắng ngà của lá cọ là vành nón màu đen của vỏ guột tạo thành một hình khối hài hòa màu sắc. Bên trong nón là những họa tiết bông hoa, con bướm, ngôi sao…của chỉ ngũ sắc nổi bật trên nền những ô nan hình lục giác màu trắng ngà, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc của phần bên trong nón.
Ngày nay, việc đội nón Tày tuy không còn phổ biến như trước kia, nhưng những chiếc nón Tày lại trở thành quà tặng và đồ trang trí trong nhà được rất nhiều người yêu thích. Ở những bản làng dân tộc Tày tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên), những người cao niên vẫn duy trì nghề làm nón và truyền dạy cho thế hệ sau nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Hay tại các địa phương khác như Cao Bằng, Tuyên Quang, trước thực trạng mai một nghề làm nón lá đã có những biện pháp để cải thiện. Ví dụ như tại tỉnh Cao Bằng đã xây dựng phương án bảo tồn nghề đan nón lá và văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; chỉ đạo các huyện, xã, vận động các thôn, bản phục dựng các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề đan nón lá; vận động những người cao tuổi có tay nghề truyền dạy cho thế hệ trẻ, tiếp nối truyền thống, lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/non-la--net-dep-van-hoa-tay-552237.html