Nôn nóng cho trẻ học lớp tiền tiểu học và lời khuyên đắt giá của chuyên gia

Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã bắt trẻ mầm non học lớp tiền tiểu học trước cả tháng...

Chuyên gia cho rằng không cần thiết cho trẻ học tiền tiểu học. Ảnh minh họa.

Chuyên gia cho rằng không cần thiết cho trẻ học tiền tiểu học. Ảnh minh họa.

Nhiều phụ huynh vì quá lo lắng đã bắt trẻ mầm non học trước cả tháng, kể cả đánh vần, tập viết, làm toán, kể chuyện… theo sách lớp 1. Điều này được đánh giá là không khoa học, thậm chí với nhiều trẻ là phản tác dụng.

Không khoa học

Văng vẳng bên nhà hàng xóm suốt mấy tháng hè là những bài giảng của cha mẹ cho con gái chuẩn bị vào lớp 1 về những bài đánh vần, tập đọc và phép tính.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ đúng giờ, nhà hàng xóm chong đèn cùng con luyện đọc. Hôm thì nhận biết chữ cái, ghép vần, hôm thì làm quen với Toán học… Đến cơ quan thì những phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng sốt sắng không kém. Người đôn đáo cho con học tiền lớp 1, người tìm thầy luyện chữ… Thiết nghĩ, vào lớp 1 thôi mà, có cần nhồi nhét gấp gáp thế không, để trẻ chưa vào môi trường mới đã thấy sợ rồi”.

Nhiều phụ huynh cho biết, do thời gian dịch bệnh kéo dài lại thêm giãn cách, trẻ mầm non ở nhà quá lâu nên việc học tiền lớp 1 là cần thiết. Nếu như học sinh những cấp khác còn được học trực tuyến thì trẻ mầm non lại gần như không được dạy gì. Vì vậy, nhiều cha mẹ có tâm lý sợ khi vào tiểu học con sẽ bị ngợp.

Thậm chí, có nhiều gia đình mặc dù đã mời cô giáo mầm non về học cùng con suốt giai đoạn sau giãn cách xã hội nhưng cũng không cảm thấy yên tâm hơn. Vì thế, cách ngày khai trường nửa năm, nhiều trẻ đã được cha mẹ cho học sớm những kiến thức được cho là cần thiết để yên tâm khi vào “đại học chữ to”.

Trên các diễn đàn, rất nhiều phụ huynh cũng đăng tin tìm giáo viên dạy tiền tiểu học cho trẻ. Thế nhưng, một số chuyên gia cho rằng, cha mẹ không cần thiết phải cho con tham gia các lớp tiền tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Huê - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội), phân tích, không phủ nhận việc các khóa tiền tiểu học sẽ phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, suy luận và diễn đạt cho trẻ. Nhưng nếu đã được học trước, trẻ khi vào học sẽ không còn tập trung nữa. Từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Quá trình tự khám phá kiến thức cũng không còn. Thậm chí, do bị ép quá nhiều khi vẫn ở độ tuổi mầm non còn ham chơi, một số em sợ vào lớp 1, sợ chuyển trường mới và chán nản.

Cũng theo cô Huê, xu hướng đưa con đi luyện vào lớp 1 bắt đầu xuất hiện nhiều khi bộ sách giáo khoa mới được áp dụng. Trên thực tế, các nhà trường chỉ gặp khó khăn trong khoảng thời gian rất ngắn, sau đó đều bắt nhịp và sẵn sàng đồng hành cũng học sinh và cha mẹ các em. Do đó, phụ huynh không cần phải quá lo lắng việc con em mình không thể theo nổi chương trình.

Những việc nên tránh… làm sớm

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, việc đi học tiền lớp 1 là không khoa học. Trong khi, yêu cầu của ngành Giáo dục đối với cấp mầm non là chỉ cần nhận biết mặt chữ và 10 con số. Việc tập viết chủ yếu là mô phỏng. Mặc dù, các bậc phụ huynh rất sốt ruột, lo lắng nhưng cho con học tiền tiểu học thực sự không cần thiết.

Là giáo viên mầm non gần 20 năm kinh nghiệm, cô Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi không khuyến khích cha mẹ học sinh đôn đáo tìm lớp học cho con trước khi vào lớp 1. Kể cả việc cha mẹ tự dạy con ở nhà cũng nên tránh. Bởi các cháu khi được tập viết từ trước nhưng nếu không đúng phương pháp sẽ dẫn đến tình trạng bị quen tay và rất khó uốn nắn. Từ đó dẫn tới việc chữ viết không đúng quy chuẩn và kích cỡ”.

Cô Liên cho rằng, chương trình tiểu học đã được tính toán rất kỹ dựa trên quá trình nghiên cứu cụ thể. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng. Việc cần nhất là để con trẻ được phát triển tự nhiên theo đúng lứa tuổi của mình.

Theo cô Liên, việc được học trước kiến thức sẽ khiến học sinh nhàm chán, mất hứng thú, chủ quan, không tập trung ngay khi các em phải học những bài học đầu tiên vì không có gì mới mẻ và thích thú nữa. Đây là điều tuyệt đối không nên.

Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm là con đang ở độ tuổi mẫu giáo nhưng đã cho trẻ viết bút mực và bút bi. Đây là lần đầu tiên các em được cầm bút để tập viết những nét chữ, con chữ theo “quy trình viết chữ”. Vì vậy khi cầm bút, bàn tay, cổ tay và các ngón tay của các em đang còn vụng về.

Thậm chí, lúc viết các em đè rất mạnh nhiều khi rách cả tờ giấy. Chỗ cầm bút có em cầm thấp, có em cầm cao, viết chưa ưng ý lại tẩy để viết lại… Và công cụ tập viết hữu hiệu nhất theo đúng tâm lý và hành động của các em chính là bút chì.

Khi dùng bút chì, chỗ trên điểm gọt bút chính là chỗ để các em cầm bút viết, nếu các em cầm bút thấp hơn hoặc cao hơn điểm gọt bút sẽ dẫn đến khó viết và viết chậm. Ngòi bút chì mềm nên nếu các em đè mạnh thì ngòi bút sẽ bị gãy.

Sau một vài lần ngòi bút bị gãy, các em sẽ rút kinh nghiệm và không đè mạnh nữa. Điều nữa là phía trên của mỗi chiếc bút chì người ta gắn một cục tẩy để giúp học sinh khi viết sai có thể tẩy để viết lại. Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho con em mới vào lớp 1 viết bằng bút bi, bút mực khi chưa có sự cho phép của cô giáo phụ trách.

Ngoài ra, không cho trẻ sử dụng bảng viết bằng chất liệu mica màu trắng, viết bằng bút dạ. Vì loại bảng và bút này có nhiều hạn chế. Đó là bảng trơn, viết không chủ động, mực ra đậm, nhạt không đều, khi xóa dễ gây bẩn, mất vệ sinh. Đồng thời, bút to quá cỡ tay cầm bút của trẻ khiến các em khó điều khiển ngòi bút khi viết chữ.

Ngọc Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/non-nong-cho-tre-hoc-lop-tien-tieu-hoc-va-loi-khuyen-dat-gia-cua-chuyen-gia-post607684.html