Nóng bỏng cuộc đua 'ngoại giao vaccine' toàn cầu, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc
Trung Quốc và Nga đang dẫn trước trong cuộc đua 'ngoại giao vaccine'. Nhưng với Thượng đỉnh G7, Mỹ đã tăng tốc trong cuộc đua này. Liệu Mỹ sẽ đuổi kịp 2 đối thủ của mình?
Thời gian qua, Trung Quốc đóng vai trò là nhà cung cấp vaccine lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, cán cân đang bắt đầu thay đổi khi tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vừa diễn ra, Mỹ và các đồng minh đã cùng nhau cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine cho thế giới. Động thái này được đánh giá là bước “tăng tốc” của Mỹ trong cuộc đua “ngoại giao vaccine” nhằm thúc đẩy lợi ích và khôi phục vai trò lãnh đạo của Washington.
Sau một thời gian bị đánh giá là “chậm chân”, liệu Mỹ có thể sớm “bắt kịp” Trung Quốc hay Nga - hai ứng viên hàng đầu trong cuộc đua đang càng lúc càng nóng bỏng này?
Chiến lược của Bắc Kinh
Ngay từ tháng 5/2020, khi Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây vẫn đang bị đại dịch bủa vây, Trung Quốc đã cam kết chia sẻ vaccine Covid-19 với thế giới. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Y tế Thế giới ngày 18/5/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, sau khi hoàn thành việc nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng, vaccine Covid-19 của Trung Quốc sẽ là sản phẩm công cộng toàn cầu. Đây là sự đóng góp của nước này trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và chi trả vaccine đối với các nước đang phát triển.
Tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đúng vào thời điểm nước này bắt đầu có kế hoạch thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người giai đoạn III ở nước ngoài, giai đoạn cần số lượng lớn người tình nguyện tham gia, bởi dịch trong nước ở Trung Quốc đã lắng xuống.
Có thể thấy, ngay từ khi vaccine còn đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm dang dở, Trung Quốc đã xúc tiến hỗ trợ vaccine cho nhiều nước qua thỏa thuận thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, điển hình là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Chile hay Indonesia. Trong đó, UAE là quốc gia đầu tiên cung cấp miễn phí vaccine Covid-19 của Trung Quốc cho toàn bộ cư dân.
Sau đó, các đợt vaccine của Trung Quốc liên tục được đưa tới các quốc gia đang phát triển ở châu Mỹ Latin, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và cả một số quốc gia Đông Âu, dù những loại vaccine này khi đó vẫn chưa được phê duyệt lưu hành trên thị trường Trung Quốc hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Không chỉ vậy, đầu tháng 10/2020, Trung Quốc chính thức gia nhập Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) và tuyên bố sẽ đóng góp vào cơ chế này 10 triệu liều vaccine nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của WHO.
Vào cuối năm 2020, Trung Quốc tiếp tục tăng tốc hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo sau khi cấp phép sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine nội địa Sinovac và Sinopharm. Theo tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh, đến nay, trong số 143,5 triệu liều vaccine Covid-19 mà 10 nước đông dân nhất châu Mỹ La tinh nhận được có tới hơn một nửa là của Trung Quốc.
Còn theo số liệu do Trung Quốc công bố, tính đến ngày 4/6, nước này đã cung cấp hơn 350 triệu liều vaccine Covid-19 cho thế giới, trong đó viện trợ cho hơn 80 quốc gia và xuất khẩu cho hơn 40 quốc gia, đồng thời hợp tác sản xuất tại nhiều nước đang phát triển các loại vaccine này.
Có thể nói, Trung Quốc đã chiếm lợi thế lớn trong giai đoạn đầu của cuộc đua vaccine, khi Mỹ chìm trong dịch bệnh. Có thời điểm Bắc Kinh đã bỏ rất xa Washington trên đường đua thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine toàn cầu.
Lợi thế của vaccine Trung Quốc là gì?
Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine Trung Quốc thấp hơn so với một số loại vaccine khác đã được WHO phê duyệt dựa trên số liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đã được công bố, nhưng nước này vẫn có những lợi thế nhất định.
Thứ nhất, số lượng vaccine được Trung Quốc phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp ngày càng nhiều. Tính đến nay, Trung Quốc đã và đang thử nghiệm lâm sàng 21 loại vaccine Covid-19, 4 loại trong số đó đã được đưa ra thị trường có điều kiện, 3 loại được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở trong nước và 8 loại khác đã được chấp thuận triển khai thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn III ở nước ngoài.
Thứ hai, sản lượng vaccine của Trung Quốc đang ngày một tăng. Riêng vaccine bất hoạt, với 5 loại được phê duyệt, năng lực sản xuất của nước này đã có thể lên tới khoảng 6 tỷ liều mỗi năm. Đáng chú ý, ngoài Sinopharm và Sinovac, hiện nhiều nhà sản xuất vaccine khác của Trung Quốc cũng đang xếp hàng để chờ được WHO đánh giá phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Trong đó, 3 công ty dược phẩm Trung Quốc đã đăng ký với WHO để đánh giá vaccine của họ, trong khi hai công ty khác đang trong quá trình thảo luận sơ bộ. Nếu tiếp tục có thêm các loại vaccine khác được phê duyệt, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào cơ chế COVAX.
Về mặt công nghệ, đa phần vaccine của Trung Quốc sử dụng công nghệ bất hoạt, điều kiện bảo quản và vận chuyển đơn giản, chỉ cần trong môi trường từ 2℃ đến 8℃, tức một chiếc tủ lạnh thông thường là đủ. Trong khi đó, vaccine của Pfizer & BioNTech, mặc dù công nghệ tiên tiến song điều kiện bảo quản hết sức ngặt nghèo, xuống tới âm 75℃ và phải tiêm xong trong vòng 5 ngày.
Bên cạnh đó, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố ủng hộ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19, nhưng công nghệ của Trung Quốc dễ tiếp cận và phổ biến hơn, đặc biệt với những nước nghèo.
Hiện nay, “khoảng cách miễn dịch” giữa các quốc gia còn rất lớn. Theo tạp chí uy tín “Nature”, hiện mới có chưa đến 1% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine Covid-19. Trong khi đó, tính đến 31/5, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỷ lệ dân số Hoa Kỳ được tiêm hai liều vaccine là 41,16%, Anh là 47,3% tính đến 28/5.
Do vậy, có thể thấy, dư địa để Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu cuộc đua vaccine vẫn còn khá lớn.
Dư luận Mỹ về triển vọng Mỹ dẫn đầu trong cuộc đua “ngoại giao vaccine”
Mỹ đã xuất phát chậm hơn các nước khác như Trung Quốc và Nga trong cuộc chạy đua ngoại giao vaccine nhưng chúng ta có thể thấy là ngay khi bắt đầu, Mỹ đã cho thấy quyết tâm dẫn đầu cuộc đua này với các cam kết chia sẻ vaccine khổng lồ. Tổng thống Biden đã cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine trong tháng 6 và tại Thượng đỉnh G7 mới đây thì ông Biden đã cam kết mua nửa tỷ liều vaccine của Pfizer để cung cấp cho sáng kiến vaccine toàn cầu Covax, bắt đầu từ tháng 8, để từ đó phân phối tới hơn 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới. Tổng thống Joe Biden từng tự tin tuyên bố Mỹ sẽ là "kho vaccine của thế giới" trong cuộc chiến chung chống lại Covid-19. Theo ông Biden, "Sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ là cần thiết đối với việc chấm dứt đại dịch lúc này và đối với việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu trong tương lai, để ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng tốt hơn với mối đe dọa kế tiếp".
Trong bối cảnh các nước chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho người dân trong nước, giờ đây ngoại giao vaccine đã trở thành một thành phần quan trọng trong địa chính trị và công cụ ngoại giao mới này sẽ gây ra tác động đáng kể, khi mà vaccine đang được phân phối trên toàn cầu không công bằng. Việc Mỹ tham gia cuộc chạy đua ngoại giao vaccine cũng được cho là nhằm đối phó với những nỗ lực nhằm gia tăng ảnh hưởng thông qua vaccine của Trung Quốc và Nga. Chính vì vậy, Mỹ muốn thể hiện vai trò dẫn đầu của mình khi tuyên bố các liều vaccine do mình chia sẻ sẽ không gắn với ân huệ, nhượng bộ hay bị ràng buộc bởi sợi dây chính trị. Các cam kết và tuyên bố của chính quyền Biden trong vấn đề chia sẻ vaccine với thế giới đã được dư luận hoan nghênh và nhận được sự hưởng ứng của một số quốc gia châu Âu và chính điều này đã thể hiện được vai trò quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 và cho thấy sự uy tín của Mỹ mặc dù xuất phát chậm hơn trong cuộc chạy đua ngoại giao vaccine.
Liệu chính quyền Biden có sớm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine?
Việc Mỹ và các nước phương Tây đưa ra các cam kết chia sẻ vaccine là do chịu sức ép dư luận trong thời gian qua, nhưng cũng không loại trừ tính toán nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua ngoại giao vaccine. Ngoài việc viện trợ vaccine, chính quyền Biden cũng đã từng đưa ra quan điểm ủng hộ việc loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19. Tuy nhiên, sự ủng hộ của chính quyền Tổng thống Joe Biden chỉ mang tính tạm thời và được đưa ra sau quá trình tranh luận nội bộ căng thẳng.
Chính quyền Tổng thống Biden đã cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn trước khi đưa ra tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Bởi lẽ, điều đó chứng tỏ nước Mỹ đang thể hiện trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua và là minh chứng cho phương châm chính sách đối ngoại “nước Mỹ đã trở lại”. Nhưng tiến trình thảo luận và ra quyết định của WTO dựa trên cơ chế đồng thuận của tất cả các nước thành viên nhiều khả năng diễn biến phức tạp và kéo dài. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất vaccine của Mỹ cũng sẽ thu được nguồn lợi nhuận không nhỏ trước khi bí quyết sản xuất được chia sẻ cho những nước khác. Bản thân trong nội bộ nước Mỹ và các cường quốc về dược phẩm cũng đã phản đối ý tưởng này của chính quyền Biden. Thậm chí những người có quan điểm cứng rắn còn bày tỏ lo ngại rằng việc loại bỏ bản quyền vaccine ngừa Covid-19 sẽ vô tình giúp hai “đối thủ” là Trung Quốc và Nga vượt lên, đồng thời làm xói mòn lợi thế của Mỹ trong nghiên cứu, phát triển các loại vaccine mới.
Mặc dù, chính quyền Biden đã tính đến một lộ trình dài hơi hơn trong cuộc đua vaccine để chiếm lợi thế trước Trung Quốc nhưng để thực hiện được thì không hề đơn giản và tôi cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng cuộc đua vaccine giữa các nước vẫn là những cam kết và chiến lược riêng rẽ của mỗi nước mà chưa phải là một kế hoạch tiêm chủng toàn cầu đúng nghĩa./.