Ngày 22/6 vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, Tổng công ty đóng tàu Sông Thu đã làm lễ hạ thủy tàu đổ bộ Roro 5612 thứ ba (số hiệu 528) cho Hải quân Việt Nam. Đây là tàu thứ ba trong loạt bốn chiếc do Quân chủng Hải quân đặt mua từ công ty. Ảnh: Quang cảnh buổi lễ hạ thủy tàu Roro 5612 thứ ba. Nguồn: TCCNQP.
Trước đó, nhà máy Sông Thu đã cho hạ thủy hai tàu Roro 5612 số hiệu 526 và 527 cho Hải quân Việt Nam. Loạt ba tàu này ban đầu do Quân đội Venezuela đặt đóng mới tại nhà máy Sông Thu, tuy nhiên do đối tác không còn khả năng chi trả, nhà máy đã tích cực chào hàng và được Quân chủng Hải quân mua lại, đồng thời đặt đóng thêm chiếc thứ tư. Ảnh: Hai tàu đổ bộ Roro 5612 lúc vừa được hạ thủy.
Mới đây, PV Kiến Thức có dịp tác nghiệp tại khu vực nhà máy Sông Thu đã kịp chụp lại những bức ảnh cận cảnh về những con tàu mới hiện đại sắp được biên chế vào Hải quân Việt Nam này. Ảnh: Tàu 528 vừa hạ thủy đậu cạnh hai tàu 526 và 527.
Tàu Roro 5612 có nhiệm vụ vận tải trên biển, có thể mang theo các container hàng, tham gia cứu hộ cứu nạn và hỗ trợ ngư dân, tiếp tế vật tư hàng hóa và chuyên chở binh lính cũng như thiết giáp đổ bộ đánh chiếm đảo, bờ biển v.v… bằng cơ cấu đổ bộ “há mồm”. Ảnh: Tàu 528 vừa được hạ thủy hôm 22/6.
Tàu có chiều dài 57.27m, rộng 12m, lượng giãn nước rỗng là 600 tấn và lượng giãn nước khi chở đầy hàng là 1.480 tấn, tốc độ tối đa 12 hải lý/h. Ảnh: Cận cảnh chiều dài tàu đổ bộ Roro 5612.
Sàn tàu được lát bằng gỗ, điều này khiến tàu không thể chuyên chở được xe tăng chiến đấu chủ lực hạng nặng mà chỉ có thể chở được các loại xe bọc thép đổ bộ, xe tăng hạng nhẹ và binh lính với đầy đủ trang bị. Ảnh: Cận cảnh sàn lát gỗ của tàu 528 vừa được hạ thủy.
Cabin thượng tầng của tàu được thiết kế rất cao, đây là thiết kế đặc thù của các loại tàu vận tải khi cabin cao có thể giúp kíp tàu quan sát tốt hơn và không bị vướng tầm nhìn khi chất hàng hóa lên cao. Ảnh: Cận cảnh Cabin thượng tầng của tàu đổ bộ 528.
Ngoài ra, Cabin cũng được thiết kế đặc biệt để kíp lái có thể quan sát 360 độ quanh tàu giúp tạo tầm nhìn bao quát. Ống khói của tàu được bố trí gọn gàng phía sau Cabin. Tàu được trang bị hai máy chính với động cơ Diesel. Ảnh: Phía sau tàu 526 và 527.
Tàu được trang bị một cần cẩu máy giúp có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa lên xuống boong tàu nhanh chóng và dễ dàng. Đồng thời mũi tàu được thiết kế có thể mở để phương tiện và binh sĩ bổ bộ ra bên ngoài. Ảnh: Cận cảnh cần cẩu máy trên tàu 527.
Tàu ngoài nhiệm vụ đổ bộ cũng có thể vận tải theo 42 container hàng hóa. Đây là một số lượng hàng rất lớn, có thể chỉ với một lần di chuyển được nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu tiếp tế cho các đảo tiền tiêu hay nhà dàn DK-1. Tàu cũng có thể sử dụng để triển khai di động các hệ thống tên lửa bờ đến bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Cận cảnh thượng tầng tàu 526 và 527.
Được biết, nhà máy Sông Thu cũng đang gấp rút thi công chiếc Roro 5612 thứ tư cho Hải quân Việt Nam để có thể kịp tiến độ bàn giao tàu. Với việc đưa vào trang bị loạt tàu đổ bộ/ vận tải mới vô cùng hiện đại này sẽ giúp năng lực của Hải quân ta nâng lên một cách rõ rệt, đảm bảo sức mạnh cũng như khả năng thực thi chủ quyền trên biển, bảo vệ vững chắc độc lập và toàn vẹn lãnh thổ/ lãnh hải Quốc gia. Ảnh: Cận cảnh hai tàu đổ bộ 526 và 527.
Video Tàu chiến Hải quân Việt Nam vượt bão tuần tra chung với Hải quân Thái Lan - Nguồn: QPVN
Hùng Dũng