'Nóng' chuyện ngân hàng tăng vốn

Luôn tìm cách tăng vốn để tăng năng lực cạnh tranh, ngay từ những tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng đã đưa ra kế hoạch khá cụ thể. Từ khối ngân hàng thương mại nhà nước đến nhóm ngân hàng cổ phần đều đang 'nóng' mục tiêu sớm tăng vốn...

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú, để tiếp tục tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, thời gian qua, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế. Với vốn điều lệ các ngân hàng nhà nước hiện nay, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng trong khu vực.

Ví dụ, BIDV có vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng, lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II (Hiệp ước Basel xác định các tiêu chuẩn về vốn để hạn chế rủi ro trong kinh doanh). Vì vậy, BIDV đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu.

Tại Đại hội cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngoài thực hiện các nội dung thường niên thì sẽ thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021-2022. Hiện nội dung phương án tăng vốn chưa được thông báo, nhưng nhiều khả năng ngân hàng sẽ trình cổ đông tăng vốn bằng chia cổ tức...

Một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng đang có kế hoạch tăng vốn bằng việc tìm đối tác ngoại. Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt (VietcapitalBank) vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản ủy quyền Hội đồng quản trị về tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tối đa 30% nhằm hút vốn ngoại, tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn cũng chia sẻ kế hoạch tìm đối tác ngoại trong năm nay.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tăng vốn là thách thức lớn đối với các ngân hàng trong năm 2021, đòi hỏi ngân hàng phải có vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều so với trước đây để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả theo tiêu chuẩn Basel II. Có nhiều yếu tố tạo áp lực tăng vốn, đó là các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức 12-13%, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng phải tăng ít nhất khoảng 7-8%.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại. Hiện nay, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho nhóm ngân hàng này khá lớn, trong khi nguồn lực nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cũng hết sức hạn chế. Do đó, cần có biện pháp xử lý phù hợp hơn, trong đó cân nhắc việc giữ lại lợi nhuận hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/993257/nong-chuyen-ngan-hang-tang-von