Nông Cống - Duy Xuyên, 60 năm ấy biết bao nghĩa tình
Hai huyện sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại.
Cầu Chuối vừa được khánh thành đưa vào sử dụng tháng 1-2020 có sự đóng góp của nhân dân huyện Duy Xuyên. Ảnh: Khánh Phương
60 năm đã trôi qua - kể từ ngày kết nghĩa, biết bao nghĩa tình giữa tỉnh Quảng Nam với tỉnh Thanh Hóa nói chung, giữa huyện Duy Xuyên với huyện Nông Cống nói riêng. Bằng những phong trào, việc làm cụ thể giữa hai huyện đã cụ thể hóa tinh thần kết nghĩa phù hợp với mỗi giai đoạn, của mỗi địa phương.
Thời điểm đó, ở Nông Cống, các phong trào: “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên 3 sẵn sàng”, “Phụ nữ 3 đảm đang”... trở thành phương châm hành động của Đảng bộ và nhân dân địa phương. Trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, ở những giai đoạn ác liệt nhất, từ An Hòa, Đức Dục, Thu Bồn, Kiểm Lâm cho đến Hòn Bằng, Xuyên Trường, Văn Quật, vùng cát khu đông Duy Xuyên - những chiến trường khốc liệt nhất, bên cạnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện Duy Xuyên còn có hàng nghìn người con huyện Nông Cống cùng chung chiến hào chia lửa, diệt thù. Các cán bộ, chiến sĩ huyện Nông Cống kết nghĩa vào chiến đấu ở chiến trường huyện Duy Xuyên đã nhận được sự giúp đỡ chí tình của đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện Duy Xuyên. Các đồng chí đã ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Duy Xuyên, không sợ gian khổ hiểm nguy, chiến đấu kiên cường lập nhiều chiến công vang dội, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quê Nông Cống đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường Duy Xuyên, có người mãi cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, có người tuy hài cốt đã được đưa về nghĩa trang nhưng không rõ tên tuổi, hàng trăm người khác để lại một phần xương thịt trên chiến trường và mang thương tật suốt đời...
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước cho đến hôm nay, mối tình kết nghĩa thâm giao giữa 2 huyện Nông Cống - Duy Xuyên vẫn duy trì và ngày càng bền chặt, thắm thiết hơn. Mặc dù, có khoảng cách khá xa về mặt địa lý song hai huyện thường xuyên duy trì mối quan hệ hợp tác, cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác lãnh đạo xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, vào những dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7, hai địa phương đều cử đoàn đại biểu thăm hỏi, tặng quà, động viên lẫn nhau; trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân của hai huyện. Nhất là trong những đợt thiên tai lũ lụt, lãnh đạo hai huyện kịp thời thông tin về tình hình thiệt hại; thăm hỏi, động viên về tinh thần, giúp đỡ về vật chất. Còn nhiều việc làm sâu nặng nghĩa tình đồng chí, đồng bào giữa Đảng bộ và nhân dân 2 huyện Duy Xuyên - Nông Cống kết nghĩa. Sau 45 năm kể từ Đại thắng mùa xuân năm 1975 - “Bắc Nam sum họp một nhà”, Duy Xuyên - Nông Cống đã có nhiều đổi thay nhưng con đường mang tên “Nông Cống” trên địa bàn huyện Duy Xuyên; công viên có tên “Duy Xuyên” tại thị trấn Nông Cống; những công trình khắc đậm tình nghĩa, như: Nghĩa trang huyện Nông Cống, cầu Chuối bắc qua sông Yên đều có sự đóng góp của nhân dân huyện Duy Xuyên... Tất cả những điều đó đều luôn gợi nhớ về tình đoàn kết gắn bó anh em giữa 2 huyện Nông Cống - Duy Xuyên.
Cùng với đó, trong những năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể 2 huyện Nông Cống - Duy Xuyên thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, ý nghĩa lịch sử của phong trào kết nghĩa hai miền Nam - Bắc những năm 60 của thế kỷ trước, tình đồng chí gắn bó keo sơn đoàn kết của thế hệ cha anh đi trước trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước thời kỳ đổi mới. Hai huyện thường xuyên tăng cường hoạt động giao lưu, học tập và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những gì mà thế hệ đi trước tạo dựng nên sẽ là ngọn lửa hừng hực khí thế tiếp sức cho các thế hệ mai sau tiếp tục giữ gìn và phát huy. Tình nghĩa son sắt, thủy chung của hai huyện trong quá khứ, hiện tại và tương lai mãi bền chặt và nâng lên tầm cao mới. Hai huyện sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa tình đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội, cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xây dựng đời sống văn minh, hiện đại, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa hai huyện, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa - tỉnh Quảng Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
“Tình cảm keo sơn, gắn bó Nông Cống - Duy Xuyên mãi mãi như dãy Ngàn Nưa hùng vĩ, mênh mang như sông nước Thu Bồn”. Những thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau sẽ mãi trân trọng, giữ gìn và vun đắp thêm cho mối tình ấy ngày càng keo sơn, gắn bó và trường tồn mãi mãi, bởi trong Duy Xuyên luôn có một Nông Cống yêu dấu và ở Nông Cống mãi có một Duy Xuyên yêu thương.