Nông Cống phát huy lợi thế tạo động lực cho phát triển

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Nông Cống đã phát huy vai trò, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất để tập trung lãnh đạo hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Nhà máy giày thuộc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và sản xuất Phương Linh (xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống) chuyên gia công sản xuất giày xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Nhà máy giày thuộc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và sản xuất Phương Linh (xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống) chuyên gia công sản xuất giày xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Với vị trí tiếp giáp các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng huyện và các quy hoạch có liên quan. Đồng thời chủ động đấu mối, phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan để cập nhật các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án có phạm vi tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của huyện nhằm tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cùng các yếu tố nội sinh của huyện để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Bí thư Huyện ủy Nông Cống Nguyễn Lợi Đức cho biết: Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Nông Cống đã ban hành quy chế làm việc, chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng thời ban hành các nghị quyết và nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy cơ sở, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh... Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống đã chỉ đạo HĐND, UBND huyện, các cơ quan, ban, ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, xác định nguồn lực, lộ trình và trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đồng thời hướng mạnh về cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bám sát sự chỉ đạo của Huyện ủy, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm ước đạt 7,52%. Trong sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất lúa lớn nhất toàn tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã và đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, triển khai xây dựng các vùng trồng, sản xuất lúa gạo, rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị gia tăng cao, liên kết theo chuỗi giá trị; toàn huyện đã xây dựng được 250ha lúa và 37ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; tích tụ, tập trung đất đai được 1.834,7ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đã xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển vùng cói nguyên liệu, với diện tích 390ha, phục vụ phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện.

Cùng với việc quan tâm phát triển nông nghiệp, là địa phương có nhiều tài nguyên khoáng sản, nghề truyền thống, cấp ủy, chính quyền huyện Nông Cống đã tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện đã quy hoạch 2 khu công nghiệp (KCN) gồm: KCN Tượng Lĩnh (350ha) và KCN số 19 (570ha) thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn quản lý và đang triển khai lập quy hoạch. 6 cụm công nghiệp (CCN) gồm: CCN Hoàng Sơn (23ha); CCN Tượng Lĩnh (50ha); CCN Cầu Quan (55,3ha); CCN Vạn Thắng - Yên Thọ (49,87ha); CCN Tế Nông (40ha); CCN Tân Thọ (44,5ha)... với tổng diện tích khoảng 262,67ha; thu hút 18.538 lao động. Bên cạnh đó, toàn huyện hiện có 8 làng nghề với các nghề truyền thống, như: Làng nghề nón lá làng Yên Lai - xã Trường Giang; làng nghề nón lá làng Tuy Hòa - xã Trường Giang; làng nghề Hương Bài - thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng; làng nghề chiếu cói thôn Kén - xã Tượng Sơn; làng nghề mộc mỹ nghệ tại xã Thăng Thọ; làng nghề miến gạo Tân Giao - xã Thăng Long; làng nghề mây tre đan thôn Cao Nhuận - xã Vạn Thiện... tạo việc làm cho gần 10.000 lao động địa phương. Đây cũng là những yếu tố nội sinh để Nông Cống có bước phát triển nhanh và bền vững.

Song song với hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền trên địa bàn, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Cống đã tập trung thu hút các dự án vào đầu tư. Hiện toàn huyện có 55 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.191,3 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án khoảng 252,1ha; trong đó có 2 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư là 32 triệu USD, diện tích đất 11,9ha; thu hút được 10 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký khoảng 374,6 tỷ đồng, như: Dự án Nhà máy sản xuất, chế biến gỗ ghép thanh và các sản phẩm tận thu về gỗ tại xã Tượng Sơn, Nhà máy may Thăng Thọ tại xã Thăng Thọ, Khu thương mại dịch vụ tại thị trấn Nông Cống, Nhà máy may xuất khẩu Trường Phát tại xã Minh Nghĩa, Nhà máy sản xuất đồ chơi xuất khẩu Tân Thọ, Nhà máy may Trường Thắng... Tổng huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 23.515 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, đã và đang tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Nông Cống phấn đấu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-cong-phat-huy-loi-the-tao-dong-luc-cho-phat-trien-225557.htm