'Nóng' cuộc đua phát triển thuốc điều trị COVID-19 uống tại nhà như thuốc cúm
Cuộc đua sản xuất thuốc viên điều trị COVID-19 tại nhà đã nóng lên khi tiếp bước Pfizer và Merck, công ty dược phẩm Nhật Bản Shionogi bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc dùng mỗi ngày một lần, vô hiệu hóa COVID-19 trong vòng chưa đầy một tuần.
Công ty Nhật Bản Shionogi đã bắt đầu thử nghiệm trên người loại thuốc viên uống một viên/ngày đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19, chính thức cạnh tranh cùng hai "người khổng lồ" Pfizer và Merck trong cuộc đua tìm kiếm phương pháp điều trị căn bệnh này.
Công ty Shionogi, có trụ sở tại Osaka, cho biết họ đã thiết kế thuốc viên có khả năng tấn công virus COVID-19, với liều uống một viên/ngày rất thuận tiện. Shionogi sẽ bắt đầu thử nghiệm loại thuốc này kể từ tháng 8 và chương trình có khả năng tiếp diễn đến năm 2022.
Công ty Nhật Bản đã đi sau hai tập đoàn dược của Mỹ vài tháng. Hai công ty này hiện đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn sau của thuốc điều trị COVID-19. Pfizer cho biết viên uống hai lần mỗi ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay. Họ cũng đang chuẩn bị cho hơn 2.000 bệnh nhân tham gia thử nghiệm thuốc viên kháng virus kết hợp với thuốc kháng virus tăng cường, với một bên là nhóm dùng giả dược.
Lỗ hổng lớn nhất
Cả ba công ty đều nhắm mục tiêu lấp đầy một trong những lỗ hổng lớn nhất trong cuộc chiến chống đại dịch. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vaccine vẫn có hiệu quả trong ngăn ngừa mắc bệnh nghiêm trọng do các biến thể virus, gồm cả biến thể Delta. Nhưng một số người không muốn tiêm phòng trong khi ca lây nhiễm vẫn có thể xảy ra với những người đã tiêm.
Các phương pháp điều trị hiện tại, bao gồm cả thuốc kháng virus dạng truyền Remdesivir của Gilead Sciences, thường phải được quản lý tại bệnh viện và chỉ có tác dụng trong một số thời gian. Các loại thuốc khác được cung cấp trong bệnh viện bao gồm thuốc kháng thể đơn dòng, chẳng hạn như loại do Regeneron Pharmaceuticals sản xuất và thuốc steroid dexamethasone.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn đang tìm kiếm loại thuốc mà những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính có thể uống tại nhà khi các triệu chứng của họ còn nhẹ. Những loại thuốc như vậy đã sẵn có lâu nay đối với bệnh cúm, bao gồm cả Tamiflu của Roche và Xofluza của Shionogi.
Merck có một thỏa thuận với chính phủ Mỹ cung cấp molnupiravir nếu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép loại thuốc này.
Về phần mình, ông Iao Teshirogi, CEO của Shionogi nói: "Mục tiêu của chúng tôi là một loại thuốc uống rất an toàn, như Tamiflu, như Xofluzang. Thuốc viên trị COVID-19 do công ty đang phát triển có thể vô hiệu hóa virus trong 5 ngày kể từ khi bệnh nhân bị nhiễm".
Shionogi dự kiến sẽ thử nghiệm với 50-100 người tại Nhật Bản. Sau đó, một cuộc thử nghiệm lớn hơn sử dụng thuốc và giả dược ở các bệnh nhân COVID-19 sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.
Tỷ lệ thất bại đối với các thử nghiệm thuốc nhìn chung là cao. Bất kỳ tác dụng phụ nào, ngay cả một tác dụng tương đối nhẹ như buồn nôn, đều có thể khiến viên thuốc COVID-19 không thể sử dụng tại nhà. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19 cho hay họ vẫn chưa biết liệu việc loại bỏ virus ở bệnh nhân có giúp giảm các biến chứng nghiêm trọng như lượng oxy thấp khiến người bệnh phải nhập viện hay không.
Cơ chế thuốc
Thuốc trị COVID-19 thử nghiệm của Pfizer và Shionogi ngăn chặn nhiễm trùng bằng cách ức chế một loại enzyme gọi là protease mà virus cần để tự sao chép bên trong tế bào người. Các chất ức chế protease được sử dụng rộng rãi để chống lại các virus khác bao gồm cả HIV, virus gây ra bệnh AIDS, nhưng khả năng kháng virus vẫn là một thách thức tiềm tàng.
Tiến sĩ Teshirogi cho biết nghiên cứu ban đầu cho thấy virus gây COVID-19 không thể dễ dàng đột biến để tránh tác dụng từ viên thuốc của công ty.
Trong khi đó, thuốc chữa COVID của Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics, hoạt động trên cơ sở giống như “viết” những “từ vô nghĩa" vào “sổ tay hướng dẫn” của virus để tạo bản sao của chính nó, khiến nó không thể nhân bản và rất khó để virus có thể trốn tránh.
Hồi tháng 4, Merck cho biết thuốc của họ, vốn được nghiên cứu từ nhiều năm trước để điều trị bệnh Ebola, đã thành công trong giảm tải lượng virus ở bệnh nhân COVID-19 và có thể làm giảm nguy cơ nhập viện. Hiện các nghiên cứu lớn hơn đang được tiến hành, tập trung vào những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc COVID-19 trong vòng 5 ngày và có các yếu tố rủi ro mắc bệnh nghiêm trọng.
Merck đã đạt thỏa thuận với chính phủ Mỹ để cung cấp 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng thuốc của họ, được gọi là Molnupiravir, với giá 1,2 tỷ USD nếu loại thuốc này được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép. Con số đó cho thấy mức giá điều trị khoảng 700 USD/ một bệnh nhân.
Trong khi đó, Tiến sĩ Teshirogi cho hay Shionogi không có kế hoạch giới hạn các thử nghiệm thuốc của mình ở những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc bệnh. Nếu loại thuốc này có triển vọng, Shionogi có thể sẽ hợp tác với một công ty dược phẩm toàn cầu để tiếp thị nó trên toàn thế giới.
Đó chính xác là những gì họ đã làm cách đây hai thập kỷ trong một trận chiến khác, một cuộc đọ sức giữa Merck và Pfizer với đối thủ “tí hon” Nhật Bản liên quan đến thuốc chống cholesterol. Thuốc Lipitor của Pfizer và Zocor của Merck đã thống trị thị trường cho đến khi các nhà khoa học của Shionogi phát hiện ra một giải pháp thay thế. Công ty Nhật Bản đã cấp phép cho AstraZeneca PLC để tiếp thị toàn cầu.
Loại thuốc được gọi là Crestor này cuối cùng đã chiếm một phần đáng kể trên thị trường. Các bác sĩ ghi nhận nó giúp làm giảm tổng lượng cholesterol của Tổng thống Donald Trump khi ông còn đương nhiệm. Lipitor, Zocor và Crestor hiện đều có mặt tại thị trường Mỹ với các phiên bản phổ thông giá rẻ.