Nóng cuộc đua quân sự hóa vũ trụ
Ngày 21-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA) gồm nhiều khoản chi khủng lên tới 738 tỷ USD, trong đó có khoản chi cho việc thành lập quân chủng mới - Lực lượng Vũ trụ Mỹ.
Chi tiêu tăng khủng
Lần đầu tiên trong 70 năm qua, Mỹ có Lực lượng Vũ trụ, cũng là quân chủng chính quy thứ 6 của quân đội Mỹ, bên cạnh Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Bảo vệ bờ biển. Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa với an ninh quốc gia, thì sự vững mạnh trong lĩnh vực vũ trụ có vai trò quan trọng với nước Mỹ.
Lực lượng Vũ trụ Mỹ gồm khoảng 16.000 thành viên là binh lính không quân và các nhân viên dân sự, hoạt động dưới sự điều phối của không quân, do Tướng Jay Raymond chỉ huy. Trong khi Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề chiến sự, thì Lực lượng Vũ trụ sẽ bao quát những nhiệm vụ rộng hơn như đào tạo, vạch kế hoạch dài hạn và các chức năng khác.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tiết lộ đã thông qua kế hoạch thành lập Bộ Chỉ huy Lực lượng Vũ trụ trực thuộc Không quân Pháp. Ông E.Macron cho biết, việc thành lập lực lượng vũ trụ là một phần trong học thuyết quân sự và không gian mới do Bộ Quốc phòng nước này đề xuất, đồng thời cho rằng việc tái điều chỉnh trọng tâm quân sự vào lĩnh vực không gian là hướng đi đúng đắn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.
Pháp cũng dự định chi hơn 4 tỷ USD từ ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 để đầu tư phát triển các hoạt động không gian và đổi mới vệ tinh.
Trong bối cảnh các nước Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang ngày càng chú trọng đầu tư vào lĩnh vực vũ trụ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, có thể công nhận vũ trụ là một trong những lĩnh vực thúc đẩy chạy đua quân sự giữa các nước lớn kể từ năm nay.
Chạy đua mạnh mẽ
Nga và Trung Quốc là những nước đi tiên phong trong cuộc đua mới này. Từ năm 2015, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp nhiều mục tiêu, theo đó hợp nhất hóa hoạt động phòng không và phòng không vũ trụ, hợp nhất tất cả lực lượng, các phương tiện của lực lượng phòng không, không quân, tên lửa vũ trụ dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không.
Cùng năm, vệ tinh Luch của Nga đã tự di chuyển vào vị trí giữa 2 vệ tinh của Tổ chức Vệ tinh viễn thông quốc tế (INTELSAT) trong quỹ đạo địa tĩnh, tiến lại gần một vệ tinh INTELSAT trong khoảng cách 10km trong vòng vài tháng trước khi lại di chuyển ra xa. Sau đó, động thái này gây ra những đồn đoán về khả năng Nga đang phát triển các vệ tinh tiến công có thể hoạt động và tiếp cận mục tiêu trong không gian.
Trong khi đó, đầu năm nay, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khám phá góc tối của Mặt trăng. Trung Quốc cũng thể hiện tham vọng khi mạnh tay chi tiền cho chương trình không gian dân sự và quân sự.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), năm 2017, Trung Quốc chi khoảng 8,4 tỷ USD cho lĩnh vực này. Với sự điều hành của quân đội Trung Quốc, ngành vũ trụ nước này đã phóng nhiều tên lửa hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Năm 2018, Trung Quốc đã phóng 39 tên lửa, so với 31 của Mỹ, 20 của Nga và 18 của châu Âu.
Không chịu thua kém, Chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản đã cùng tổ chức Đối thoại không gian. Không chỉ cùng hợp tác để khám phá Mặt trăng, Tokyo và New Delhi thống nhất hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả chia sẻ dữ liệu vệ tinh. Đây là bước đi giúp hai cường quốc này tăng cường năng lực quân sự vũ trụ, và giám sát các hoạt động ngoài không gian để từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nong-cuoc-dua-quan-su-hoa-vu-tru-636345.html