Nóng cuộc đua tổng thống Pháp: Khả năng tái diễn kịch bản 2017

Khả năng lớn kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 sẽ lặp lại kịch bản như năm 2017, khi ông Macron và bà Le Pen vượt qua vòng 1 và gặp nhau ở vòng 2.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Emmanuel Macron sẽ kết thúc vào tháng 4-2022 và cuộc đua tổng thống Pháp nhiệm kỳ tiếp theo đã bắt đầu nóng. Gần như chắc chắn Tổng thống Macron sẽ tái tranh cử nhưng khả năng ông sẽ chỉ tuyên bố chính thức về việc này vào đầu năm sau.

Kịch bản Macron - Le Pen năm 2017 sẽ lặp lại?

Theo trang tin The Local, ngoài ông Macron, 43 tuổi, thuộc đảng Cộng hòa tiến bước thì hiện có hơn 30 ứng viên đã thông báo sẽ tranh cử hoặc khả năng lớn sẽ thông báo trong thời gian tới.

Ông Macron vốn chỉ được 38% cử tri tin tưởng sẽ là một tổng thống được việc trong nhiệm kỳ 2 đang đối mặt với một cuộc tái tranh cử khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cử tri Pháp có lịch sử chọn bỏ phiếu cho những kỳ vọng thay đổi mới mẻ.

Báo Guardian dẫn lời nhà tư vấn chính trị Adrien Broche của Công ty thăm dò Viavoice cho biết nghiên cứu của công ty trong tháng này cho thấy ông Macron thể hiện tốt với cử tri về mặt uy tín và năng lực dẫn dắt nước Pháp trong khủng hoảng. Nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19, đẩy nhanh phủ sóng vaccine ở Pháp bằng chính sách thẻ xanh y tế đã giúp đẩy tỉ lệ ủng hộ ông Macron tăng lên vào mùa hè qua. Tuy nhiên, theo ông Broche, ông Macron dù có thế mạnh về “năng lực kỹ trị” nhưng lại không có được sự kết nối cá nhân tốt với người dân, thiếu gần gũi với cử tri và các mối quan tâm của họ và điều này sẽ được các ứng viên khác lợi dụng triệt để.

Trong các ứng viên thông báo tranh cử có bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc, người được giới quan sát đánh giá sẽ là một trong hai ứng viên nặng ký trong kỳ bầu cử này, bên cạnh ông Macron.

Theo thăm dò của Công ty Ipsos (Pháp), ông Macron hiện đang dẫn đầu về tỉ lệ ủng hộ (27%), tuy nhiên không cao hơn bà Le Pen nhiều (22%). Người được đánh giá cao thứ ba là ông Xavier Bertrand vốn thuộc đảng Cộng hòa nhưng đã rời đảng năm 2017 (17%), thứ tư là ông Yannick Jadot thuộc đảng Xanh (10%). Người được đánh giá cao thứ năm là Thị trưởng thủ đô Paris - bà Anne Hidalgo thuộc đảng Xã hội (9%).

Tờ Palatinate (Anh) dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát cho rằng khả năng lớn kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2022 sẽ lặp lại kịch bản như năm 2017, khi ông Macron và bà Le Pen vượt qua vòng 1 dự kiến diễn ra vào ngày 10-4-2022 và gặp nhau ở vòng 2.

Bà Le Pen và ông Macron trong một cuộc tranh luận ngày 3-5-2017, trong khuôn khổ cuộc đua tổng thống Pháp năm 2017. Ảnh: ERIC FEFEBERG/POOL

Bà Le Pen và ông Macron trong một cuộc tranh luận ngày 3-5-2017, trong khuôn khổ cuộc đua tổng thống Pháp năm 2017. Ảnh: ERIC FEFEBERG/POOL

“Những bất ngờ ngoạn mục là tiêu chuẩn trong các cuộc bầu cử tổng thống Pháp” - nhà báo Pháp TRACY MCNICOLL của tờ France24 nhận xét về bản chất khó dự đoán của các kỳ bầu cử tổng thống Pháp.

Lợi thế không thể xem thường của bà Le Pen

Cuộc đua giữa ông Macron và bà Le Pen sẽ là trận chiến giữa nền chính trị trung hữu của ông Macron và chủ nghĩa dân túy của bà Le Pen. Sự lớn mạnh của tinh thần dân túy trong bộ phận người dân Pháp sẽ là một thách thức lớn với ông Macron. Tỉ lệ người dân Pháp ủng hộ phong trào biểu tình áo vàng, phản đối tăng giá nhiên liệu và tăng giá tiêu dùng lên tới 60%-80%. Bà Le Pen đã tận dụng tốt phong trào này với tuyên bố sẽ đứng lên vì người nghèo, người thất vọng với chính quyền ông Macron.

Sự suy giảm niềm tin vào dân chủ và vào các cơ quan công quyền cũng là chỉ dấu tương tự của sự thắng thế của các ý tưởng dân túy trong bộ phận người dân Pháp. Theo một cuộc thăm dò do quỹ nghiên cứu Fondapol (Pháp) thực hiện, 28% người thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân, 31% người thuộc tầng lớp cao hơn muốn có một thể chế trong đó vị lãnh đạo dân cử sẽ đơn phương quyết định và thi hành các chính sách mà không phải để ý đến những ý kiến từ quốc hội hay truyền thông. Cuộc thăm dò cũng cho thấy 80% người dân Pháp không tin tưởng vào các đảng phái chính trị và tới 64% không có niềm tin vào chính quyền.

Bà Le Pen khả năng sẽ hưởng lợi thế từ sự bất mãn của một bộ phận dân Pháp với môi trường chính trị nước này. Có một cảm giác chung trong một bộ phận lớn người dân Pháp là truyền thông không nói về các vấn đề liên quan đến cuộc sống của họ và điều này cũng sẽ có lợi cho đảng Mặt trận Dân tộc của bà Le Pen cũng như các đảng dân túy khác. Thăm dò của Fondapol cho thấy 83% người bất mãn với cách đưa tin “vô thưởng vô phạt” của truyền thông, nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho một đảng có quan điểm trái với chính quyền hiện tại trong cuộc bầu cử năm 2022.

Thời gian qua, bà Le Pen ngày càng có quan điểm ôn hòa hơn về Liên minh châu Âu (EU) và nhập cư. Không như cương lĩnh hành động bà đưa ra năm 2017, hiện tại bà Le Pen không còn ủng hộ khả năng Pháp rời EU hay từ bỏ đồng euro. Đây cũng sẽ là một điểm bất lợi nữa mà ông Macron sẽ phải đối mặt trong cuộc đua tới.

Dù thế chưa thể nói chắc điều gì sẽ xảy ra khi những cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp hầu như luôn xảy ra nhiều bất ngờ. Chẳng hạn trong kỳ tranh cử năm 2017, chiến dịch tranh cử của ông Macron không phải được chú ý hàng đầu và ông cũng không được cho là có thể đi tới vòng 2 vốn được dự đoán sẽ dành cho bà Le Pen và ông Alain Juppe, cựu thủ tướng Pháp - chủ tịch đảng bảo thủ Cộng hòa. Tuy nhiên, về sau cương lĩnh trung hữu của đảng Cộng hòa tiến bước của ông Macron đã thu hút một bộ phận lớn cử tri từ cả cánh tả và cánh hữu, và cuối cùng chẳng những vào được vòng 2 mà ông Macron còn đánh bại cả bà Le Pen để giành chiến thắng.

Không loại trừ khả năng Pháp sẽ có nữ tổng thống

Có thể thấy trong danh sách các ứng viên tiềm năng cho vị trí tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới có hai phụ nữ: Chủ tịch đảng Mặt trận Dân tộc - bà Marine Le Pen và Thị trưởng Paris thuộc đảng Xã hội - bà Anne Hidalgo.

Trong khi bà Le Pen, 53 tuổi, cam kết sẽ bảo vệ “tự do” của nước Pháp thì bà Hidalgo, 62 tuổi, nói: “Tôi muốn tất cả trẻ em có được cơ hội như tôi đã có” - ý muốn nói đến việc bà từ một trẻ nhập cư đã có cơ hội trở thành một chính trị gia hàng đầu nước Pháp ngày nay. Bà Hidalgo sinh ra ở Tây Ban Nha, đến Pháp năm hai tuổi, có quốc tịch Pháp lúc còn thiếu niên, trở thành thị trưởng Paris từ năm 2014. Bà Hidalgo nói muốn “làm dịu” sự tranh cãi chính trị trong xã hội Pháp vốn chứa đựng đầy rẫy sự phân cực.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/nong-cuoc-dua-tong-thong-phap-kha-nang-tai-dien-kich-ban-2017-1016411.html