Nông dân Bình Định thích máy ông Ngôn
Nhờ nỗ lực học hỏi, ông Nguyễn Ngôn chế tạo được nhiều loại máy giúp dân. Trong đó có sản phẩm được công nhận giải pháp đoạt giải nhất năm 2021 tại Hội thi sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định
Nằm trước căn nhà gia đình đang ở tại khu phố Vĩnh Phụng 2, phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, xưởng chế tạo máy của ông Nguyễn Ngôn (55 tuổi, ngụ khu phố Vĩnh Phụng 2) nguyên là khu đất trống rộng chừng 60 m2, nay được bao bọc bởi một nhà tiền chế có mái che.
Trăn trở vì nông dân vất vả
Dù diện tích chỉ khiêm tốn như vậy nhưng tại công xưởng trên, những năm qua ông Ngôn và một số cộng sự đã chế tạo ra hàng loạt máy móc, thiết bị hỗ trợ người dân địa phương tăng năng suất lao động, cải thiện kinh tế.
"Đợi anh một lát, đang vội quá. Đợt này nhiều khách hàng ở địa phương đặt gấp máy xay thịt nên phải tranh thủ làm để giao cho người ta. Xưởng lại chỉ có vài người nên việc làm không xuể" - ông Ngôn nói vội khi biết chúng tôi cần gặp.
Xuất thân trong gia đình làm nông nghèo, đông anh em nên học chưa hết cấp 2, ông Ngôn đã phải bỏ học để phụ giúp gia đình. Từ đó, ông bươn chải đủ nghề để mưu sinh. Trong đó, nghề chính mà ông gắn bó lâu nhất trong những năm khó khăn là sửa chữa xe đạp.
"Lúc tôi mới lớn, đất nước còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu dùng phương tiện xe đạp để đi lại. Ở nông thôn thời đó, xe đạp không chỉ là phương tiện mà còn là tài sản lớn của nhiều gia đình. Bởi vậy, nghề sửa xe đạp lúc đó tuy chẳng sang trọng gì nhưng cũng dễ mưu sinh" - ông Ngôn nhớ lại.
Nhờ tận tình, tay nghề lại cao nên tiệm sửa xe đạp của ông Ngôn thời ấy luôn đông khách nhất vùng. Vài năm sau, khi đất nước bước qua giai đoạn khó khăn, nhà nhà sắm xe máy, ông Ngôn học thêm nghề sửa chữa xe máy.
Thời xe máy mới thịnh hành, việc sửa chữa, thay thế phụ tùng rất khó vì hàng không có sẵn ở tiệm, muốn mua phải đặt trước. Trong đó có nhiều phụ tùng phải đặt rất lâu ở thành phố chuyển về mới có để sửa cho khách.
Thấy khách hàng buồn vì phải chờ thay phụ tùng khá lâu, ông Ngôn tự mày mò nghiên cứu chế ra một số bộ phận để xe máy hoạt động tạm thời trong thời gian chờ đợi thay mới phụ tùng. Tiếng lành đồn xa, cứ thế, tiệm sửa xe của ông ngày càng đắt khách. Thậm chí, nhiều chủ tiệm sửa xe ở địa phương còn đến "cầu cứu" ông vì không phát hiện ra "bệnh" ở xe của khách hàng.
Đam mê sáng tạo
Nhờ nỗ lực học hỏi không ngừng và tinh thần đam mê, sáng tạo, từ một người dân xuất thân với nghề sửa xe đạp, giờ ông Ngôn thành người đa nghề. Cụ thể, không chỉ biết sửa chữa xe đạp, xe máy, ông Ngôn còn biết sửa cả máy nổ; gò hàn; rèn cuốc, xẻng, dao…
Từ thực tiễn trong công việc hằng ngày và tính ham học hỏi, nhiều năm qua, ông Ngôn đã tìm tòi nghiên cứu, chế tạo được nhiều máy móc, thiết bị có tính ứng dụng cao, góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất trong lao động của nhà nông. Trong đó phải kể đến các loại như máy lẩy hạt bắp (tách hạt ngô), máy xay thịt làm chả, máy băm thân cây phục vụ trong chăn nuôi, máy quạt lúa…
"Hằng ngày, thấy nhiều người dân ở quê làm lụng vất vả nhưng năng suất lao động không cao nên tôi đã mày mò, chế tạo ra một số máy móc nhằm giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất. Ngoài ra, thời gian qua cũng có nhiều người đến đặt tôi chế tạo máy giúp họ. Khách hàng đặt gì thì tôi làm cái đó. Họ chỉ cần nói về công dụng, còn ý tưởng, nguyên lý, tôi sẽ mày mò thêm" - ông Ngôn nói về lý do chế tạo các máy móc, thiết bị của mình.
Những sản phẩm do ông Ngôn chế tạo sau khi đã sử dụng đều được người dân đánh giá rất cao nhưng chưa bao giờ ông tự nhận sản phẩm của mình là tối ưu. Theo ông Ngôn, trong số các sản phẩm do ông chế tạo, có một số máy trên thị trường đã có từ trước. Bởi cơ chế hoạt động, cấu trúc thì về tổng thể nguyên lý làm việc đều giống nhau. Vấn đề ở đây, ông Ngôn chỉ khắc phục những khuyết điểm, hạn chế để tạo ra chiếc máy ưu việt nhất, có độ bền cao, đặc biệt giá thành phải thấp để phục vụ bà con nông dân.
Cố gắng cải tiến
Chia sẻ về máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi vừa được công nhận là giải pháp đoạt giải nhất năm 2021 tại Hội thi Sáng tạo nhà nông do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định phối hợp Hội Nông dân tỉnh này tổ chức, ông Ngôn cho biết sản phẩm này ông đã chế tạo từ 10 năm trước, đến nay thì hoàn thiện đúng ý tưởng.
Mười năm trước, vợ chồng ông Ngôn nuôi khoảng 50 con heo mỗi lứa. Hằng ngày, thấy vợ dùng dao băm rau, thân chuối để chế biến thức ăn cho heo rất khổ cực và mất nhiều thời gian, ông Ngôn nảy sinh ý tưởng chế tạo máy băm rau. Sau đó không lâu, máy ra đời. Thấy máy băm rau khá hiệu quả, nhiều người chăn nuôi heo ở địa phương đến đặt mua hàng ông Ngôn.
Tiếng lành đồn xa, sau đó không lâu, máy băm thân cây chạy bằng động cơ điện của ông Ngôn được nhiều nông dân tỉnh Bình Định mua về sử dụng và tín nhiệm. Tuy nhiên, sau khi sử dụng 3-4 năm thì khung máy gỉ sét, một số bộ phận hao mòn nhanh, dễ hư hỏng.
Theo ông Ngôn, đặc tính cây chuối và các loại rau tiết ra mủ đều có tính axít nên ăn mòn sắt rất nhanh. Nếu làm bằng thùng phuy nhựa Thái Lan sẽ khắc phục được nhược điểm trên, giá thành lại rẻ. Hơn nữa, việc làm bằng thùng phuy nhựa còn tận dụng được đồ đã qua sử dụng của ngư dân thải ra, góp phần bảo vệ môi trường. Nếu làm bằng inox, máy tốt hơn nhiều nhưng chi phí rất cao.
"Nghe khách hàng phản hồi về độ bền, tôi trăn trở, cố gắng cải tiến. Tôi dùng thùng phuy nhựa làm thùng máy, những chi tiết hao mòn nhanh thì tôi cải tiến, thay đổi chất liệu, thiết kế lại để có thể tháo lắp sửa chữa, thay thế phụ kiện dễ dàng hơn. Sau cải tiến, bà con sử dụng rất hài lòng và đánh giá gần như là hoàn hảo. Đến nay, tôi đã bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh Bình Định hàng trăm sản phẩm này" - ông Ngôn chia sẻ.
Rất hữu ích đối với nông dân
Một trong những khách hàng đầu tiên mua sản phẩm do ông Nguyễn Ngôn chế tạo là chị Nguyễn Thị Tắc (47 tuổi; ngụ khu phố An Vinh 1, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn).
"Ở nông thôn hầu như hộ nào cũng chăn nuôi heo, bò, gà… Bình thường, chúng tôi thái chuối, băm rau để làm thức ăn cho vật nuôi, vừa cực khổ, vừa mất thời gian. Có chiếc máy này, nông dân đỡ vất vả và có thời gian làm công việc khác" - chị Tắc nói.
"Máy băm rau do ông Ngôn chế tạo được bán chỉ 2,5 triệu đồng nhưng hoạt động rất hiệu quả và bền lâu. Các thân đỡ được làm bằng thép của nhíp xe tải, còn lại những chi tiết khác đều làm bằng nhựa nên không bị gỉ sét. Ngoài ra, máy được chạy bằng điện với công suất chỉ 1,5 HP nên cũng không tốn điện nhiều" - ông Nguyễn Văn Thành (ngụ huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định), khách hàng vừa mua máy băm thân cây của ông Ngôn chế tạo, nhận xét.
Ngoài máy băm thân cây đạt giải nhất, năm 2012, ông Ngôn còn đoạt giải 3 khi chế tạo máy tách hạt ngô; bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Bình Định trong phong trào nông dân thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015. Mới đây, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã đề nghị ông Ngôn làm máy quạt lúa, dùng để tách hạt lúa lép và bụi trong lúa, giúp nông dân tỉnh nhà.
Theo ông Nguyễn Phước Công, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hoài Nhơn, ngoài máy băm thân cây khung bằng nhựa, thời gian qua ông Ngôn còn chế tạo ra nhiều loại máy, thiết bị khác rất hữu ích đối với nông dân.
"Đơn cử như máy xay thịt, nhiều người mua của các hãng về sử dụng chẳng bao lâu thì bị cháy hoặc hư hỏng. Tuy nhiên, máy xay thịt của ông Ngôn chế tạo sử dụng rất bền, hiệu quả lại cao, giá thì rẻ. Bởi vậy, ngoài người dân địa phương, nhiều khách hàng trong nước đã liên hệ đặt ông Ngôn chế tạo máy xay thịt" - ông Công cho hay.
Tạo điều kiện để đăng ký thương hiệu
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết những sản phẩm máy móc do ông Nguyễn Ngôn chế tạo đã góp phần rất lớn giúp bà con nông dân giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất. Hiện thị xã đang có kế hoạch tạo điều kiện để ông Ngôn tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu và bản quyền cho các loại máy móc do ông chế tạo.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nong-dan-binh-dinh-thich-may-ong-ngon-20220402200320265.htm