Nông dân Cam Lộ thi đua phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã thực hiện nhiều phong trào, giải pháp, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân trong tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến tích cực góp phần đưa Cam Lộ trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của huyện Cam Lộ là đã vận động nông dân bố trí, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả đưa các giống cây, con mới phù hợp, có năng suất cao vào sản xuất, cho thu nhập cao, không để đất bỏ hoang. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình chăn nuôi lợn liên kết, ứng dụng công nghệ mới ở xã Cam Thanh; nuôi lợn rừng kết hợp thủy cầm ở xã Cam Thành; nuôi thỏ, lợn, chim bồ câu Pháp ở xã Cam Thủy; các mô hình kết hợp cá-lúa của nông dân Cam Thanh; trồng cỏ nuôi bò, nuôi cá nước ngọt ở thị trấn Cam Lộ; trồng sắn dây ở Cam Chính; cải tại vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả ở Cam Hiếu; trồng tiêu ở các xã Cam Nghĩa, Cam Chính; nuôi bò lai sinh sản ở các xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam An; nuôi dê nhốt, nuôi ong ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa, thị trấn Cam Lộ...
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn cũng thực hiện tốt việc tư vấn, hỗ trợ về vốn, kĩ thuật và cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho hội viên. Từ năm 2012 đến nay, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đã phối hợp thực hiện chuyển giao 25 máy nông nghiệp theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện cho nông dân đưa cơ giới vào đồng ruộng phát triển sản xuất; chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức 270 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho 6.837 lượt hội viên nông dân; xây dựng mới trên 25 mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề mới. Bên cạnh đó, các cấp hội đã huy động tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 500 triệu đồng cho 34 hộ vay đầu tư 24 mô hình sản xuất điểm để hội viên học tập và nhân rộng. Chủ động kí kết liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng nguồn vốn đến nay trên 70 tỉ đồng cho 2.322 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn số tiền gần 75 tỉ đồng cho 1.004 hộ vay; Ngân hàng Bưu điện -Liên Việt 9 tỉ đồng cho 173 hộ vay để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức hội nông dân ngày càng vững mạnh. Năm 2015, toàn huyện có 2334 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đến năm 2018 đã tăng lên 2.655 hộ, tăng 321 hộ. Phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, các cấp hội nông dân giúp đỡ các gia đình chính sách, những hộ nông dân nghèo gặp khó khăn về vốn, kĩ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 4,16% năm 2018.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do huyện phát động, Hội Nông dân huyện tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực như: Vận động hội viên nông dân tham gia hiến đất, hiến cây mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng trường mẫu giáo, di dời mồ mả, cải tạo đồng ruộng, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang lại làng xóm; đóng góp tiền của và ngày công để xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng như: xây dựng đường điện thắp sáng, trung tâm học tập cộng đồng, bê tông hóa đường giao thông, bê tông hóa kênh mương nội đồng phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất gắn với bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường. Đến nay, Hội đã triển khai cho 115/115 chi hội tham gia thực hiện mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, tổ chức thu gom rác thải, chai, lọ, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, làm sạch đồng ruộng; 90% số hộ hội viên nông dân tham gia thu gom rác thải. Đồng thời, Hội Nông dân tích cực tham gia thực hiện “Đoạn đường tự quản”, “Đường kiểu mẫu” sáng- xanh- sạch- đẹp ở nông thôn. Trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua bình xét hàng năm có trên 95% hộ gia đình hội viên nông dân đạt gia đình văn hóa, đánh dấu sự chuyển biến tích cực về nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc hướng đến nếp sống văn hóa mới, tạo động lực cho giai cấp nông dân phấn khởi, thi đua lao động sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Nhờ đó, đến nay, 8/8 xã trên địa bàn về đích nông thôn mới; huyện Cam Lộ đạt 9/9 tiêu chí nông thôn mới, được Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân tham gia tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ đang trên đường về đích xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, đưa Cam Lộ trở thành “miền quê đáng sống”.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143331