Nông dân căng mình bảo vệ vựa lúa lớn nhất Lai Châu trước khô hạn
Hạn hán kéo dài khiến nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nơm nớp lo sợ vì lúa bị thiếu nước trầm trọng, nguy cơ mất mùa. Nhằm bảo vệ vựa lúa, các ngành chức năng và bà con nhân dân căng mình triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo sản lượng lương thực.
Tại cánh đồng Mường Than, xã Mường Than - một trong 4 cánh đồng lúa lớn thuộc vùng Tây Bắc, những ngày này bà con nông dân hối hả ra đồng lấy nước và tập trung phòng trừ sâu bệnh. Đây là giai đoạn làm đòng cây lúa cần tích lũy nhiều dinh dưỡng, nhất là nước để hạt thóc sau này chắc, mẩy.
Chia sẻ với Tiền Phong, bà Trần Thị Thắm, ở bản Cẩm Trung 2, xã Mường Than cho biết, bà lọ mọ đi lấy nước vào ruộng suốt đêm mà vẫn chưa đủ nước. Ao, hồ bị cạn nên phải xin nước bên bản Khiêng, thuộc thị trấn Than Uyên để dẫn vào ruộng.
Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích ruộng của người dân bị nứt nẻ, lúa không lên được. Gia đình bà trồng hơn 5 sào lúa, mọi năm sản lượng được 9 tạ thóc khô, còn năm nay chưa biết ra sao.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Vân, ở xã Mường Than chia sẻ, thời điểm này lúa đang trong thời kỳ có đòng, chỉ 20 ngày nữa trổ bông nên nước rất quan trọng. Ngày nào bà cũng có mặt ngoài đồng để lấy nước, làm cỏ và theo dõi quá trình sinh trưởng của lúa. Hạn hán quá, người dân làm ruộng chưa năm nào vất vả như năm nay. Dù vậy nhưng bà con vẫn cố gắng chăm sóc lúa đến khi thu hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến khô hạn trên diện rộng tại huyện Than Uyên do từ tháng 10 năm trước trên địa bàn ít mưa, nắng nóng kéo dài khiến lượng mưa ít, nước từ hồ, đập thủy lợi không đủ cung cấp cho các cánh đồng. Điều này khiến cho hơn trăm ha lúa trong toàn huyện bị thiếu nước nghiêm trọng, nhiễm bệnh. Nhiều nông dân cho rằng, chưa có năm nào hạn hán lại kéo dài như năm nay khiến cho việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn.
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, xã Mường Than, huyện Than Uyên gieo cấy 423 ha với các giống lúa: Séng Cù, nếp, Đại Dương, Bắc Hương, Bắc Thơm, Hà Phát, Tẻ Dâu. Trong đó có 205 ha diện tích lúa hàng hóa.
Ông Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho biết, do ảnh hưởng khô hạn nắng nóng kéo dài, xã có gần 70 ha diện tích lúa Đông Xuân bị ảnh hưởng. Nhằm bảo vệ cánh đồng lúa lớn nhất tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng chống khô hạn. Trong đó, xã thường xuyên xuống bản tuyên truyền, vận động động nhân dân chủ động dự trữ nguồn nước ao, suối, hồ rồi dùng máy bơm bơm nước lên ruộng bị khô hạn.
Đối với diện tích lúa bị thiếu nước nghiêm trọng, xã tổ chức họp bản tuyên truyền nhân dân kiểm tra toàn bộ diện tích lúa, khu vực nào có khả năng phục hồi động viên các hộ gia đình khác ưu tiên cho những hộ này lấy nước trước. Mặt khác, xã khuyến cáo bà con tích cực thăm đồng, theo dõi sự sinh trưởng của lúa để có cách chăm sóc đúng kỹ thuật và kịp thời phát hiện sâu bệnh.
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Than Uyên gieo cấy hơn 2.044 ha lúa. Đến nay, toàn huyện có 130 ha diện tích lúa bị ảnh hưởng do khô hạn kéo dài. Ngoài diện tích lúa, các cây nông nghiệp ngắn ngày khác như ngô, lạc, đậu tương và một số loại cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng với diện tích gần 100ha.
Ông Vũ Văn Nội - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết, thời tiết không có mưa khiến lượng nước ở các nguồn tưới tiêu sản xuất nông nghiệp bị giảm, Phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền nhân dân duy tu sửa chữa, nạo vét các tuyến kênh mương thủy lợi đảm bảo tưới tiêu; vận động bà con nhân dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước, đảm bảo tưới tiêu.
Thời điểm này, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp cùng cán bộ nông nghiệp các xã, thị trấn xuống từng cánh đồng hướng dẫn, vận động nhân dân lấy nước, bón phân, làm cỏ, chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của cây lúa.