Nông dân Chiềng Hắc thu nhập cao từ trồng cây ăn quả

Về xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu hôm nay, màu xanh của cây trái dần phủ kín khắp các sườn đồi; đời sống nhân dân nâng lên rõ rệt. Đó là kết quả từ sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây khi tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nâng cao thu nhập.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã đã chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân từng bước chuyển từ sản xuất manh mún sang tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Vì Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hắc, cho biết: Xã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân; hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, phương pháp thu hái, bảo quản sau thu hoạch...

Người dân bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc chăm sóc cây na.

Người dân bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc chăm sóc cây na.

Từ năm 2021 đến nay, toàn xã Chiềng Hắc đã trồng mới hơn 100 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn xã lên gần 1.500 ha, sản lượng đạt 7.000 tấn quả/năm; tập trung chủ yếu tại các bản: Tà Số 2, Tây Hưng, Ta Niết, Chiềng Pằn, Long Phú, Tán Thuật. Đây là các bản có lợi thế về đất đai, độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định so với các bản khác trong xã, phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả. Nhiều hộ có diện tích cây ăn quả lớn đã giàu lên, điển hình như các gia đình: Ông Nguyễn Văn Thêm, bản Tây Hưng trồng 15 ha cây ăn quả, thu hơn 4,5 tỷ đồng/năm; anh Lương Đình Quý, bản Ta Niết thu gần 1 tỷ đồng/năm từ vườn nhãn; nhiều hộ thu từ 100-200 triệu đồng/năm. Nhờ phát triển cây ăn quả, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.

Cùng cán bộ hội nông dân xã đến đến bản Tây Hưng, xã Chiềng Hắc thăm mô hình trồng na của ông Nguyễn Văn Thêm. Năm 2017, gia đình ông đã chuyển đổi gần 1 ha đất của gia đình sang trồng trên 400 gốc na. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng na lên 6 ha. Đến nay, vườn na của gia đình cho năng suất từ 7-8 tấn/ha. Ông Thêm chia sẻ: Na Thái phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Chiềng Hắc. Ưu điểm của loại na này là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Tuy nhiên, do yêu cầu cao về độ ẩm, nếu trồng trên khu vực núi đá chỉ có thể cho sản lượng tốt vào vụ đầu năm. Vào mùa khô, cây sẽ khó đậu quả, hoặc quả kém phát triển, do đó gia đình tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm hệ thống tưới nhỏ giọt, thực hiện cắt tỉa và bón phân đầy đủ.

HTX hoa quả Thành Đạt, bản Long Phú được thành lập tháng 3/2018, với 17 thành viên, trồng và chăm sóc 80 ha cây ăn quả, gồm: Nhãn, xoài, bưởi, bơ, na, chuối. Ông Nguyễn Như Biển, Giám đốc HTX, thông tin: Với mục đích liên kết những hộ trồng cây ăn quả trong bản để phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX đã và đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên diện tích 50 ha, có sổ nhật ký ghi chép quy trình chăm sóc cây ăn quả, sử dụng các loại phân hữu cơ bón cây và dùng túi bọc quả để đảm bảo chất lượng sản phẩm... Trung bình thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/ha. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên HTX ngày càng được nâng lên.

Phát triển cây ăn quả ở xã Chiềng Hắc đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực cải tạo, chọn lọc các loại giống cây ăn quả chất lượng; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, đáp ứng yêu cầu thị trường thị trường trong nước và xuất khẩu.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/nong-dan-chieng-hac-thu-nhap-cao-tu-trong-cay-an-qua-51624