Nông dân chủ động phòng, chống rét cho 'đầu cơ nghiệp'
Các hộ chăn nuôi đại gia súc ở Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai... tùy theo điều kiện và vị trí nuôi nhốt đã chủ động, linh hoạt lựa chọn biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn.
Trong vòng một tuần nay, các huyện vùng cao của Lào Cai nhiệt độ xuống rất thấp, trong khoảng từ 7-9 độ C, riêng thị xã Sa Pa chỉ khoảng 5-6 độ C. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại nặng như vậy, các địa phương đã chủ động và sớm triển khai các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, giảm thiểu thiệt hại do đói, rét gây ra.
Linh hoạt các biện pháp ứng phó
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Lào Cai, mùa đông xuân 2024-2025, không khí lạnh không chỉ ảnh hưởng sớm và nhiều khiến nền nhiệt độ giảm thấp mà còn gây ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài hơn so với các năm trước. Các hộ chăn nuôi đại gia súc ở Sa Pa, Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai... tùy theo điều kiện và vị trí nuôi nhốt đã chủ động, linh hoạt lựa chọn các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn.
Theo đó, một số hộ dân Sa Pa chọn phương án đưa đàn gia súc xuống các xã vùng thấp của thành phố Lào Cai như xã Cốc San, Đồng Tuyển để tránh trú do khoảng cách di chuyển chỉ 30km, thuận lợi men theo đường quốc lộ 4D mà nền nhiệt chênh lệch đến 10 độ C.
Vài ngày trước, ông Lý Láo Tả, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa vừa đưa bảy con trâu xuống xã Cốc San tránh rét. Ông dùng cây gỗ hoặc tre làm cột, dựng lán trại lợp bằng nilon, quây kín bằng bạt dứa để làm chỗ ở tạm và để nhốt trâu, tránh gió và mưa rét. Bằng kinh nghiệm chống rét nhiều năm, ông mang theo lương thực và đồ dùng như nồi niêu và thực phẩm khô để có thể trụ lại dài ngày cho qua mùa rét khắc nghiệt. “Mình chịu khổ một chút nhưng bảo vệ được đàn trâu an toàn, vì đó là tài sản lớn của gia đình”, ông Lý Láo Tả chia sẻ.
Thị xã Sa Pa có tổng số 8.330 hộ chăn nuôi đại gia súc với 13.671 con. Theo bà Trần Thị Lan Hương, Phó phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, chính quyền thị xã đã yêu cầu các xã, phường có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét thực hiện thống kê số hộ đăng ký di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc các hộ dự kiến di chuyển đi và nơi gia súc di chuyển đến. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của UBND xã, thực hiện khai báo với UBND xã, phường nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho gia súc (có mái che, kín gió và cao ráo); định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Cùng ở phường Hàm Rồng nhưng gia đình ông Má A Páo lại lựa chọn chủ động chống rét cho đàn gia súc tại chỗ bởi nhà ông có hệ thống chuồng trại kiên cố. Ngay từ đầu mùa đông, gia đình ông đã chủ động dự trữ trên 400kg rơm rạ, trồng 400m2 cỏ voi để làm thức ăn cho 4 con trâu trong mùa đông. "Chuồng trại gia súc luôn được gia đình quan tâm sửa chữa, gia cố để đảm bảo sạch sẽ, khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tuần. Gia đình còn dự trữ chất đốt củi khô, trấu... để đốt sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, sương muối", ông Páo chia sẻ.
Những ngày này, nhiệt độ của huyện vùng cao Mường Khương dao động từ 7-9 độ C. Huyện đã tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả và bắt gia súc gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 16 giờ chiều đồng thời vận động người dân cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh; đồng thời, bổ sung các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc.
Gia đình bà Giàng Tờ Sín, xã Tả Gia Khâu có đàn trâu, bò lên tới chục con. Bà cho biết, những ngày mưa, gia đình nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc; dùng bạt hoặc chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc. "Con nào đến tuổi giết thịt là gia đình xuất bán ngay, không nuôi lưu đàn lâu, thêm gánh nặng trong việc phòng chống đói, rét", bà Sín chia sẻ.
Bám sát địa bàn, đôn đốc người dân
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, tính đến hết tháng 10/2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 37.324 hộ chăn nuôi gia súc lớn với tổng đàn gia súc lớn 117.485 con. Trong số đó, còn 5.883 hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng chống rét; 1.566 hộ không có chuồng trại (881 hộ thả rông gia súc); 13.520 hộ dự trữ dưới 200 kg thức ăn/con; 2.390 hộ chưa thực hiện dự trữ thức ăn. Nếu không kịp thời khắc phục, trong thời gian tới nếu rét đậm, rét hại kéo dài đàn gia súc của những hộ này nguy cơ chết do đói, rét rất cao.
Trước thực trạng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường đã yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo cấp xã, đặc biệt các xã có tỷ lệ hộ chăn nuôi chưa thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét phải thành lập các Tổ, phân công thành viên phụ trách từng thôn, bản trực tiếp đôn đốc hướng dẫn người chăn nuôi tiếp tục gia cố, che chắn chuồng nuôi; dự trữ thức ăn; phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Tại huyện Mường Khương, thống kê trước mùa rét cho thấy, số hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng chống rét là 641 hộ, chiếm hơn 21%; số hộ không có chuồng trại (gia súc được nuôi nhốt trong hang hoặc gian bếp) là 137 hộ, chiếm khoảng 4,6%. Số hộ chưa dự trữ đủ lượng thức ăn cho gia súc, chiếm 39%, số hộ chưa dự trữ thức ăn, chiếm 0,64% so với tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn. Như vậy, sẽ có khoảng 4.396 con gia súc không có đủ thức ăn và 2.886 con gia súc có chuồng không đảm bảo phòng chống rét và không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét cao khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài.
Tương tự, tại Sa Pa, còn trên 27% hộ chăn nuôi còn chưa dự trữ đủ thức ăn thô xanh; vẫn còn 1.080 chuồng tạm/8.000 chuồng và 388 hộ chăn nuôi chưa có chuồng trong khi thời tiết khí hậu Sa Pa vô cùng khắc nghiệt; rét đậm, rét hại kèm theo băng tuyết thường xuyên xảy ra vào mùa đông (đặc biệt các đợt rét kéo dài thường xảy ra vào tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, nhiệt độ xuống thấp đột ngột kèm theo mưa tuyết ảnh hưởng lớn đến tình hình chăn nuôi.
Nhằm ứng phó kịp thời với rét đậm, rét hại, mưa tuyết kéo dài trên địa bàn; hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, chính quyền các xã, phường, thị trấn của huyện Mường Khương và thị xã Sa Pa đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn các thôn, tổ dân phố tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng chống đói, rét, cho vật nuôi.
Đặc biệt, các địa phương vận động những hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống rét và các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương cải tạo, sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông. Bên cạnh đó, dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng trại như dùng bạt, bao dứa, tấm nylon lớn hoặc các vật liệu khác để che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trước tháng 11/2024 đã thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện và đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nong-dan-chu-dong-phong-chong-ret-cho-dau-co-nghiep/356924.html