Nông dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lạc xuân
Thời điểm này, độ ẩm không khí cao là điều kiện sâu bệnh phát sinh và gây hại lạc xuân. Để đảm bảo năng suất, chất lượng lạc cuối vụ, nông dân Hà Tĩnh đang bám đồng để kịp thời có biện pháp phòng trừ.
Những ngày này, không khí sản xuất rộn ràng của bà con bao trùm khắp cánh đồng tập trung của thôn Minh Quý, thôn Kim Ngọc (xã Thạch Châu, Lộc Hà). Ông Trần Văn Minh (thôn Minh Quý) chia sẻ: “Năm nay tôi sản xuất gần 1 mẫu lạc. Cây lạc phát triển tốt, đang trong giai đoạn phân cành cấp 1, cấp 2. Thời điểm này, tôi và bà con trong thôn đang tập trung ra đồng xới xáo, làm cỏ và bón thúc đợt 2 để cây lạc bước vào giai đoạn ra hoa và đâm tia".
Tại thị trấn Lộc Hà, người dân cũng đang hối hả ra đồng để theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây lạc. Bà Nguyễn Thị Hải (tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) cho biết: “3 sào lạc của gia đình bước vào giai đoạn phân cành cấp 2. Qua thăm đồng, tôi phát hiện một số diện tích lạc xuất hiện sâu xanh hại lá và đã nhanh chóng phun thuốc phòng trừ. Đến nay, cơ bản bệnh trên cây lạc đã được khống chế ”.
Vụ xuân 2023, huyện Lộc Hà sản xuất hơn 1.400 ha cây trồng cạn, trong đó chủ yếu là lạc (hơn 960 ha). Các vùng trọng điểm sản xuất lạc là xã Thịnh Lộc (180 ha), thị trấn Lộc Hà (197 ha), xã Thạch Châu (196 ha), xã Thạch Mỹ (115 ha)...
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Lê Hồng Cơ thông tin: “Đây là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất của lạc xuân. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, trước tình hình thời tiết nắng mưa thất thường, nguy cơ sâu bệnh và nấm tăng cao, bà con nông dân cần phải tăng cường thăm đồng, chăm sóc, theo dõi các ruộng lạc để phòng trừ kịp thời, giúp cây lạc ra hoa, đậu quả tốt”.
Cũng giống như các địa phương khác, bà con nông dân xã Thạch Sơn, Thạch Văn (huyện Thạch Hà) tích cực kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây lạc vụ xuân.
Ông Trần Đức Vinh (xã Thạch Văn) có 4 sào đất sản xuất lạc gieo trỉa muộn. Đến nay, cây lạc bước vào gia đoạn phân cành cấp 1. Ông Vinh cho hay: “Sau khi gieo được 30 ngày thì số diện tích lạc của gia đình đã “chớm” bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng. Bệnh thường gây hại nặng giai đoạn ra hoa và đâm tia. Ngay khi phát hiện, tôi đã làm theo hướng dẫn nhổ bỏ cây nhiễm bệnh, phun đúng, phun đủ, không để bệnh lây lan ra diện rộng ”.
“Theo kinh nghiệm, thời tiết có độ ẩm không khí cao, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh và nấm phát triển, dễ lây lan trên diện rộng. Một số ruộng bênh cạnh đã xuất hiện sâu khoang ăn lá nên ngày nào tôi cũng có mặt tại đồng ruộng chủ động theo dõi và xử lý sâu bệnh phát sinh"- bà Lê Thị Hải (xã Thạch Văn) cho biết.
Theo Chủ tịch hội Nông dân huyện Thạch Hà Trần Xuân Hòa, địa phương đã tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu, bệnh để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền bà con không chủ quan, tích cực theo dõi sự phát triển của cây lạc trong giai đoạn quan trọng này.
Vụ xuân 2023, toàn tỉnh triển khai sản xuất lạc trên diện tích 8.954 ha, sản lượng phấn đấu khoảng 24 nghìn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 26,8 tạ/ha. Hà Tĩnh tiếp tục sử dụng giống L14, V79, L29 cho năng suất, chất lượng cao và các giống lạc địa phương như: lạc cúc, lạc sen, lạc mỡ…
Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, phần lớn diện tích lạc đang phát triển mạnh về thân và lá. Tuy nhiên, các giai đoạn phát triển quan trọng của cây lạc thường trùng với những đợt thời tiết diễn biến bất lợi như mưa rét đầu vụ, nhiệt độ xuống thấp kéo dài giữa vụ, độ ẩm cao, sương mù về đêm và sáng…
Qua theo dõi trên đồng ruộng, một số đối tượng dịch bệnh gây hại đã xuất hiện như bệnh héo rũ gốc mốc đen, mốc trắng phát sinh gây hại tỷ lệ trung bình 2-3%, nơi cao 7-10%, diện tích nhiễm 10 ha, phân bố chủ yếu ở các xã Thạch Sơn, Thạch Văn (huyện Thạch Hà); xã Tân Mỹ Hà, Sơn Châu, Sơn Bằng (huyện Hương Sơn); xã Xuân Viên, Xuân Mỹ (huyện Nghi Xuân). Tuy diện tích chưa nhiều nhưng nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh này dự kiến sẽ rất lớn.
Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ, vì vậy, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng dịch bệnh gây ra, theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, người dân cần tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện sâu bệnh để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên diện rộng.
Ngành chuyên môn và các địa phương cần làm tốt công tác dự tính, dự báo, khuyến cáo nông dân tiến hành phun phòng bằng các loại thuốc đặc hiệu. Bà con nên phun phòng trên những diện tích chưa bị nhiễm bệnh, đồng thời có biện pháp thâm canh hợp lý, chăm sóc cây khỏe để tăng sức đề kháng; theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu xanh và sâu khoang ăn lá, lở cổ rễ.