Nông dân chung tay bảo tồn sếu
Nhằm chung tay với chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn và phát triển lại đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, một số nông dân (ND) trồng lúa ở khu vực vùng đệm của Vườn đang có nhiều thay đổi trong sản xuất, mạnh dạn tham gia mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Mặc dù chỉ mới sản xuất thử nghiệm vụ đầu, nhưng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang nhận được sự quan tâm của nhiều ND và doanh nghiệp (DN).
Ông Nguyễn Văn Mẫn ngụ ấp Phú Xuân, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, thuộc 1 trong 4 hộ dân đầu tiêu tại khu vực vùng đệm của Vườn xung phong thực hiện thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cảm thấy rất phấn khởi và đặt nhiều kỳ vọng với mô hình mới này. “Khi được địa phương vận động sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm góp phần tạo ra môi trường sống lý tưởng cho đàn sếu trong thời gian sắp tới, tôi rất vui mừng và đồng tình với chủ trương. Bởi từ lâu đời, sếu đã trở thành biểu tượng, niềm tự hào với mỗi người dân ở Tam Nông. Theo tôi, việc phục hồi lại môi trường tự nhiên thích hợp cho sếu sinh sống không phải là chuyện một ngày một bữa, không phải là chuyện của một vài hộ mà cần sự chung tay của cộng đồng. Để mô hình phát huy tốt hiệu quả, cần mở rộng quy mô sản xuất và có sự tham gia tích cực của DN tiêu thụ”- ông Nguyễn Văn Mẫn bộc bạch.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, vụ lúa hè thu năm 2023, huyện Tam Nông thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với gần 40ha, ở địa bàn 2 xã: Phú Đức và Tân Công Sính. Toàn bộ diện tích lúa trong mô hình đã được thu hoạch với năng suất khoảng 6 - 6,5 tấn/ha. Thời gian qua, để giúp người ND từng bước thay đổi tập quán sản xuất, ngành nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng một số phương pháp sản xuất mới như: sử dụng máy sạ cụm nhằm giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng phân hữu cơ bón lót ngay từ đầu vụ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học trong quá trình canh tác... Huyện mong muốn xây dựng khu vực canh tác lúa quanh Vườn theo hướng hữu cơ và tiến tới được chứng nhận hữu cơ; phấn đấu đến năm 2025 có 200ha và đến năm 2030 có 1.000ha lúa ở khu vực vùng đệm được canh tác theo hướng hữu cơ.
Để mô hình tạo được sự lan tỏa và nhân rộng, vấn đề liên kết bao tiêu đầu ra được ND và ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Một số đối tác và DN có nhu cầu tiêu thụ lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ đã đến đặt vấn đề liên kết tiêu thụ với ND địa phương. Tuy nhiên, theo nhận định từ các DN, để xây dựng và quảng bá thành công thương hiệu lúa hữu cơ của Tam Nông đến với người tiêu dùng thì cần có một quá trình. Trong đó, công tác truyền thông, chuẩn hóa từ khâu sản xuất là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hoài Bảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Du lịch Wild Bird, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông chia sẻ, hiện nay, nhu cầu về tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ hữu cơ của thị trường là rất lớn. Việc cần làm hiện nay là xây dựng và củng cố niềm tin cho người tiêu dùng. Bởi, khi người tiêu dùng tin yêu thì con đường tiêu thụ sẽ rất rộng mở. Do đó, trong thời gian tới, nhằm giúp cho khách du lịch có những trải nghiệm sâu sắc hơn về mô hình sản xuất hướng hữu cơ của ND địa phương và công tác bảo tồn thiên nhiên tại Vườn, công ty dự kiến kết nối với một số hộ ND tham gia mô hình thực hiện các tuor du lịch sinh thái trải nghiệm. Thông qua việc trải nghiệm, nghe, nhìn, khách du lịch sẽ có niềm tin nhiều hơn với mô hình. Đây là nền tảng để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của địa phương có thể chinh phục người tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong vụ thu đông tới, DN dự kiến phối hợp với ND ở trong mô hình sản xuất thử nghiệm khoảng 2ha giống lúa ST25. Nếu thuận lợi, trong vụ kế tiếp, DN mở rộng diện tích liên kết với ND”.
Xây dựng và phát triển vùng canh tác lúa khu vực xung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim theo hướng hữu cơ và sinh thái nhằm tạo môi trường thuận lợi để bảo tồn sếu có ý nghĩa rất lớn, góp phần phát triển nền kinh tế xanh bền vững tại Tam Nông. Do đó, để từng bước hoàn thành mục tiêu đề ra, rất cần có sự hợp tác, chung tay từ cộng đồng. Trong đó, người ND và DN là những nhân tố đặc biệt quan trọng.
Nhận định về tầm quan trọng của việc thực hiện chuỗi liên kết trong mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Nông, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu ngành nông nghiệp, ngành công thương và huyện Tam Nông tích cực phối hợp, nhằm thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững. Bởi, khi có đầu ra ổn định thì người ND có thể mạnh dạn tham gia mô hình. Đây cũng là nền tảng để từng bước phục hồi lại điều kiện sống thích hợp khi thực hiện công tác bảo tồn sếu tại Vườn Quốc gia Tràm Chim...
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nong-dan-chung-tay-bao-ton-seu-115859.aspx