Nông dân 'còng lưng' nuôi… doanh nghiệp

Bài 1: Chuyện dài ở Phong Hải

LCĐT - Hàng trăm hộ nghèo ở Bản 1, thôn Mai Đào, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên đang trồng quế và cây lâm nghiệp ổn định từ hàng chục, thậm chí nhiều chục năm qua thì bỗng nhiên trong một ngày, cán bộ của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Yên (viết tắt là Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên) yêu cầu người dân phải chia hoa lợi trên diện tích rừng trồng nói trên. Nhưng rồi những bộ hợp đồng, biên bản vẫn được bà con ký sau khi họ nhận được những thông điệp đại ý như: “Không chấp nhận thì chặt trắng đi để công ty trồng cây mới vì đó là đất của doanh nghiệp”.

Bài 2: Không đầu tư trồng rừng vẫn đòi… chia phần

Gia đình anh Trương Văn Quyền, sinh năm 1991, trú tại Bản 1, thôn Mai Đào, xã Thượng Hà có khoảng 10 năm canh tác ổn định trên phần đất đồi rộng 5.000 m2.

Theo lời kể của chị Lý Thị Xuân, vợ anh Quyền thì phần đất do gia đình tự khai phá, trước đây gia đình có trồng vài vụ sắn, vì đất bạc màu nhanh nên năm 2015 gia đình chuyển sang trồng quế. Khoảng tháng 6 năm 2019, cán bộ xã và người của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đến nhà đề nghị gia đình ký hàng loạt giấy tờ, anh Quyền đặt bút ký và không giữ văn bản nào do công ty bảo mang về “để hoàn thiện hồ sơ”. Sau này nghe mọi người nói lại, vợ chồng anh “té ngửa” là mình đã ký vào cái gọi là “Hợp đồng liên kết trồng rừng sản xuất” mà trong đó anh sẽ mất 20% số gỗ quế cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên.

Tương tự, gia đình ông Hoàng Văn Hòa trồng 2.900 m2 quế từ năm 2014. Sau 5 năm chăm sóc, bảo vệ, người trồng rừng vừa kịp nở nụ cười bên cánh rừng quế vào độ khép tán thì cán bộ của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đến yêu cầu ký vào biên bản ăn chia hoa lợi, trong đó ông Hòa phải chia cho doanh nghiệp 20% số gỗ thu được (với sản lượng gỗ khai thác tối thiểu 70 m3/ha) khi khai thác.

Trưởng thôn Mai Đào - Hoàng Công Dương chỉ vào một vườn quế của người dân trồng nhưng có 20% sản lượng gỗ sau này sẽ thuộc về doanh nghiệp.

Trưởng thôn Mai Đào - Hoàng Công Dương chỉ vào một vườn quế của người dân trồng nhưng có 20% sản lượng gỗ sau này sẽ thuộc về doanh nghiệp.

Anh Hoàng Văn Lý cho biết, gia đình anh làm nhà ra ở riêng từ năm 1988, phần đất đồi sau nhà anh canh tác từ đó đến nay. Trước đây gia đình trồng lúa, sắn, rồi trồng bồ đề, cách đây khoảng 5 năm chuyển hẳn chuyên canh quế. Chăm sóc tốt, nên giờ đây vườn quế của anh cây còi cọc cũng đã bằng bắp tay, cây lớn bằng bắp đùi, dự định khoảng 3 đến 4 năm nữa anh có thể khai thác trắng để trồng đợt quế mới. Bao nhiêu toan tính, dự định về số tiền thu được từ khác thác rừng quế của anh đã bị “phá sản” khi mới đây Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên yêu cầu gia đình anh phải ký vào hợp đồng chia phần hoa lợi mà anh đã đầu tư trồng, chăm sóc bấy lâu.

Gần nhà anh Lý là 2 gia đình bố con ông Đặng Văn Mong và Đặng Văn Tiếp có mấy lô đất trồng quế, đến nay được khoảng 5 - 6 năm tuổi. Mới đây, ông Mong và anh Tiếp cũng phải đặt bút ký vào “Hợp đồng liên kết trồng rừng sản xuất” do Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên lập ra với cách thức ăn chia hoa lợi như những hộ trên.

Một số hộ ở Bản 1, thôn Mai Đào ký vào hợp đồng vì thuận tình theo hộ khác, số còn lại đều nhận thấy sự thiệt thòi nhưng họ cho rằng không thể làm khác bởi “người ta bảo đó là đất của họ”.

Theo ông Nguyễn Trọng Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hà thì đến nay, trên địa bàn xã có 180 hộ ký hợp đồng liên kết trồng rừng với Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên với diện tích 120 ha.

Thông tin của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên cung cấp cho phóng viên, tính riêng 91 “Hợp đồng liên kết trồng rừng sản xuất” (lập cùng ngày 20/6/2019) của gần 40 hộ gia đình ở Bản 1, thôn Mai Đào, xã Thượng Hà ký với công ty đã có tổng diện tích 40,18 ha, trong đó 83 khoảnh trồng quế, chỉ có 8 khoảnh trồng mỡ và bồ đề. Riêng hộ ông Trương Thái Bình là người trong bản nhưng đến nay vẫn chưa ký hợp đồng với lý do rõ ràng là không muốn chia hoa lợi của mình với doanh nghiệp.

Ông Hoàng Công Dương, Trưởng thôn và ông Bàn Minh Hạnh, Bí thư Chi bộ thôn Mai Đào cho biết, thôn có 112 hộ, 100% hộ gia đình là đồng bào Dao, đời sống các hộ trước đây rất khó khăn, nhờ phát triển lâm nghiệp, cụ thể là cây quế mà kinh tế được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thống kê mới nhất thì thôn vẫn có tới 29 hộ nghèo và 64 hộ cận nghèo (chiếm 83%), việc phải chia 20% hoa lợi trên diện tích quế trồng ngoài 4 năm tuổi và 30% hoa lợi với diện tích quế 1 đến 4 tuổi sẽ khiến người dân giảm nguồn thu nhập chính và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người trồng rừng.

Việc Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đẩy mạnh hợp đồng liên kết trồng rừng sản xuất với người dân, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 168 ngày 27/12/2016 quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp nhà nước là rất đáng khuyến khích. Thông thường, hợp đồng của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên với hộ dân thì doanh nghiệp góp đất sản xuất, cây giống, thiết kế kỹ thuật trồng rừng, tỷ lệ ăn chia tùy theo đợt hoặc loại cây, trong đó Công ty Lâm nghiệp được hưởng khoảng 30 đến 50% sản lượng lâm sản. Sau khi hai bên thống nhất, ký kết hợp đồng mới triển khai trồng rừng trên thực tế. Nhưng với những bản hợp đồng ký trong ngày 20/6/2019 lại có sự bất thường, Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên dường như lợi dụng “sự đã rồi” và cái gọi là “xâm lấn đất của doanh nghiệp” để buộc người dân Bản 1, thôn Mai Đào chia một phần hoa lợi cho dù doanh nghiệp không hề có sự đầu tư trực tiếp nào! Rất nhiều năm ngồi chờ không có động thái nào với tình trạng bị xâm canh trên đất được cho là của mình, cho đến một ngày kia đồng loạt in những bản hợp đồng mà người dân không hề muốn ký.

Sự vô lý thể hiện rõ tại một số điều, khoản của những bộ hợp đồng này. Ví dụ như tại mục a, khoản 3, Điều 2 thống nhất hình thức đầu tư: “Bên A (Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên) góp vốn 30% (hoặc con số khác, tùy theo hợp đồng) gồm đất trồng rừng sản xuất, vật tư, thiết kế xây dựng hồ sơ trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, hướng dẫn kỹ thuật cho bên B (người dân)”.

Rõ ràng Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên không hề có sự đóng góp nào như nói trên, ngoại trừ phần đất trồng rừng tự nhận thuộc về mình, nhưng doanh nghiệp vẫn đưa vào điều khoản hợp đồng một cách dễ dàng.

Vườn quế 5 năm tuổi ở Bản 1, thôn Mai Đào.

Vườn quế 5 năm tuổi ở Bản 1, thôn Mai Đào.

Cần phải nói thêm rằng, phần diện tích đất tại các hợp đồng nói trên có thực sự thuộc về Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên hay không còn phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và kết luận, bởi trong nhiều năm qua, cử tri huyện Bảo Yên và một số cơ quan chức năng đã đề nghị thu hồi hàng nghìn ha đất lâm nghiệp từ Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên chuyển cho địa phương quản lý.

Trong khi đang thực hiện đề tài này thì chúng tôi nhận được thông tin đại diện cử tri xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) thắc mắc với đoàn tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện rằng, nhiều hộ ở bản Khuổi Vèng, bản Pác Mạc trồng quế ổn định tại khu Nặm Rịp từ năm 2008 và năm 2009, đến năm 2019 cán bộ Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên yêu cầu các hộ phải chia cho doanh nghiệp 20% đến 30% hoa lợi vẫn với lý do đất của doanh nghiệp.

Hàng chục năm không có động thái nào thể hiện là chủ thể có quyền sử dụng đất, đột ngột trong một ngày đòi chia đặc lợi thì việc người dân thắc mắc, bức xúc là điều khó tránh khỏi.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nong-dan-cong-lung-nuoi-doanh-nghiep-z3n20190811081500588.htm