Nông dân 'còng lưng' nuôi… doanh nghiệp

Bài 1: Chuyện dài ở Phong Hải

Bài 2: Không đầu tư trồng rừng vẫn đòi… chia phần

LCĐT - Đất là tư liệu sản xuất quan trọng đối với sản xuất nông - lâm nghiệp và cũng là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Để việc quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên đất thì chủ thể được cấp quyền sử dụng phải có năng lực tương xứng. Không đảm bảo yếu tố đó thì đất đai không những có nguy cơ bị lãng phí mà còn mang đến những hệ lụy xã hội không mong muốn như kiểu “nông dân còng lưng nuôi doanh nghiệp”.

Bài cuối: Cần sự thay đổi mang tính bước ngoặt

Theo biên bản làm việc được lập ngày 10/5/2019 giữa đại diện các bên gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên và UBND thị trấn Phố Ràng, UBND xã Thượng Hà, UBND xã Điện Quan, Công ty Cổ phần tư vấn đo đạc bản đồ và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bảo Yên (viết tắt là Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên) thì diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho doanh nghiệp nhưng đang có sự tranh chấp, xâm canh, chồng lấn với diện tích đất sản xuất của các hộ gia đình (tính riêng 3 xã, thị trấn) là 491,6 ha.

Trong biên bản, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng xác định có phần diện tích đất lâm nghiệp trong đó người dân đã quản lý, sản xuất từ những năm 1990, thậm chí là từ năm 1983 (đến nay là 36 năm) nhưng trên hồ sơ vẫn là đất giao cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên. Và hàng trăm ha đất lâm nghiệp trong số đất chồng lấn nói trên được Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện chuyển giao cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên vào năm 2011 nhưng không được doanh nghiệp này tổ chức quản lý, sản xuất khiến người dân địa phương đã trồng quế và cây lâm nghiệp từ đó tới nay.

Người dân Bản I, Mai Đào trồng quế ổn định ngay sau nhà từ hàng chục năm qua nhưng vẫn bị coi là xâm canh đất của doanh nghiệp.

Người dân Bản I, Mai Đào trồng quế ổn định ngay sau nhà từ hàng chục năm qua nhưng vẫn bị coi là xâm canh đất của doanh nghiệp.

Tham gia ý kiến vào biên bản làm việc, đại diện Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên, Giám đốc Phạm Huy Thông nêu: Đối với đất đã giao cho công ty nhưng chồng lấn, tranh chấp, sau đó cấp hồ sơ quyền sử dụng cho người dân, đất (đã cấp cho công ty) giáp ranh với đất sản xuất của hộ dân thì giao về cho địa phương để có phương án giao cho hộ cá nhân quản lý, sử dụng. Đối với cây trồng của hộ dân trên đất đã cấp cho Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên thì tạo điều kiện cho hộ dân khai thác (hết chu kỳ), sau đó bàn giao lại cho doanh nghiệp.

Ý kiến của Giám đốc công ty được cho là thuận tình, hợp lý, nhận được sự tán thành cao, nhưng hơn 1 tháng sau đó (ngày 20/6/2019), Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên đã không thực hiện quan điểm là “tạo điều kiện cho người dân” mà thay vào đó là yêu cầu ký hợp đồng chia hoa lợi do người dân làm ra.

Tại Quyết định số 470 ngày 31/12/1994 và Quyết định số 606 ngày 16/3/2011 của UBND tỉnh, Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên được giao, cho thuê đất lâm nghiệp trên diện tích 12.039,26 ha. Theo một báo cáo của cơ quan chức năng lập tháng 3/2019 thì trong 12.039,26 ha đất lâm nghiệp nói trên có 4.157 ha đất dành cho trồng rừng sản xuất, 6.838 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, có tới 765 ha đất trống được quy hoạch đất trồng rừng.

Đất của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên được phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bảo Yên. Vậy nên, Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên được nhiều người ví như trẻ em khoác lên mình bộ quần áo người lớn, nó quá khổ, lùng nhùng và lãng phí đối với một cơ thể bé nhỏ. Hậu quả là nguồn tài nguyên đất bị lãng phí, người dân xâm canh, xâm cư, khó khăn trong công tác quản lý quỹ đất, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp.

Được giao hơn 12 nghìn ha đất lâm nghiệp và nguồn vốn lớn, hạ tầng sản xuất công nghiệp khá đồ sộ, nhưng theo báo cáo của Tỉnh ủy Lào Cai về 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên trong năm 2017 (năm 2018 và 2019 đơn vị đang vướng mắc về tài chính nên chưa có số liệu cập nhật chính xác) là doanh thu đạt 16,32 tỷ đồng (chủ yếu từ sản xuất ván bóc, sản phẩm viên nén mùn cưa, góp vốn với Nhà máy MDF Bảo Yên...) và lợi nhuận chỉ đạt 86 triệu đồng (bằng 24% kế hoạch).

Anh Hoàng Văn Lý, thôn Mai Đào bên cây quế 5 năm tuổi, gia đình anh vừa phải ký hợp đồng chia hoa lợi với doanh nghiệp

Anh Hoàng Văn Lý, thôn Mai Đào bên cây quế 5 năm tuổi, gia đình anh vừa phải ký hợp đồng chia hoa lợi với doanh nghiệp

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn (viết tắt là Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn), được giao quản lý 14.118 ha đất lâm nghiệp. Ngoài 12.326 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên thì đơn vị này chỉ có vỏn vẹn 177 ha đất rừng sản xuất là rừng trồng, diện tích đất trống được quy hoạch trồng rừng lên tới 1.140 ha. Và cũng “anh em sinh đôi” là Công ty Lâm nghiệp Bảo Yên, doanh nghiệp này cũng có tới 1.250 ha đất lâm nghiệp có sự chồng lấn, người dân xâm canh, xâm cư đã giao lại cho địa phương theo hướng đề xuất giao cho hộ dân sản xuất, sử dụng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với các cơ sở công nghiệp chế biến lâm sản, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung của Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn trong năm 2017 chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng (bằng 63% kế hoạch), lợi nhuận vỏn vẹn 73 triệu đồng (bằng 21% kế hoạch).

Thử làm phép so sánh doanh thu 2 “ngôi sao” trong “làng lâm nghiệp” của tỉnh với 1 cơ sở ván bóc tư nhân bình thường là không có nhiều khác biệt, so sánh lợi nhuận thì 2 doanh nghiệp nói trên chắc chắn thua xa 1 cơ sở ván bóc cỡ vừa.

Không kể nhà xưởng, hạ tầng sản xuất công nghiệp, đất đai không phải là yếu tố quyết định tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp của Lào Cai. Điển hình như Công ty cổ phần chè Thanh Bình, từ doanh nghiệp Nhà nước quản lý hàng trăm ha đất sản xuất nhưng làm ăn ì ạch, nhiều năm bên bờ vực thua lỗ, chỉ một thời gian ngắn sau cổ phần hóa và giao lại toàn bộ đất sản xuất cho địa phương, doanh nghiệp này đã có doanh thu trong năm 2018 ở mức kỷ lục là 75 tỷ đồng, công ty có điều kiện tài chính để đầu tư dây chuyền sản xuất mới với giá trị 16 tỷ đồng.

Với Công ty cổ phần chè Phong Hải Lào Cai, ngoài việc giữ lại 52 ha đất ao thả cá, đất ruộng lúa thì doanh nghiệp cũng đã giao hơn 650 ha đất sản xuất nông nghiệp (đất trồng chè) cho địa phương quản lý. Năm 2018, doanh nghiệp này đã chấm dứt chuỗi nhiều năm thua lỗ, sản xuất có lãi với doanh thu đạt 32 tỷ đồng, đời sống, thu nhập người lao động được nâng lên.

Theo định hướng của tỉnh, từ năm 2020 sẽ tiếp tục sắp xếp phù hợp 2 công ty lâm nghiệp có vốn nhà nước theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa. Kèm theo đó là bàn giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên cho địa phương (hoặc ban quản lý rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên), tiến hành cổ phần hóa các xí nghiệp chế biến lâm sản theo hướng thoái toàn bộ vốn nhà nước.

Có thể những thay đổi trong thời gian tới sẽ tạo ra bước ngoặt căn bản, tạo bước đột phá để các công ty nông, lâm nghiệp đứng vững bằng chính đôi chân của mình chứ không phải trông chờ vào nguồn hoa lợi do người nông dân nộp trong rất nhiều năm qua.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/nong-dan-cong-lung-nuoi-doanh-nghiep-z3n20190812080932635.htm