Nông dân Đồng Nai 'gặp hạn kép'?
Hiện đang vào chính vụ thu hoạch, nhưng nông dân trồng tiêu và điều ở một số địa phương của tỉnh Đồng Nai 'khóc đứng, khóc ngồi' vì 'gặp hạn kép': mất mùa, rớt giá.
Nguy cơ trắng tay
Lo lắng có lẽ là cảm xúc chung của nhiều nông dân trồng tiêu và điều ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Nguyễn Thị Thanh (ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) nói: “Trồng điều mấy chục năm mà chưa có năm nào như năm nay”. Theo bà Thanh, gia đình bà trồng hơn 2ha cây điều. Năm nay gặp thời tiết bất lợi nên tỷ lệ đậu quả rất ít, khoảng 30-50%. “Trước Tết âm lịch khoảng 1 tháng, cây đang trổ bông thì gặp mấy trận mưa trái mùa, nên bị hư hết, không đậu trái được vì bông điều chỉ hợp nắng”- bà Thanh nói và cho biết thêm, khoảng 5 năm trước, điều còn có giá, giờ đã qua cái thời thương lái tranh giành từng cây điều.
5 năm về trước, với hơn 2ha điều, mỗi năm gia đình bà Thanh thu hoạch được khoảng 6-7 tấn điều, giá giao động từ 35-45 nghìn đồng/kg. “Còn như năm ngoái, gia đình chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn, giá 28 nghìn đồng/kg. Năm nay mới thu hoạch được chưa đến 2 tạ, trong đó có 1ha từ Tết đến giờ thu hái được 10kg mà giá có 26 nghìn đồng/kg. Mất mùa, rớt giá thê thảm” - bà Thanh lo lắng.
Cũng tình cảnh tương tự, bà Nguyễn Thị Bình (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường) cho biết, nhà có 2 sào tiêu, gặp thời tiết thất thường, mưa trái mùa làm tiêu hỏng hết. “Chăm sóc lắm nhưng mà tiêu chết lai rai. Năm nay chắc là trắng tay rồi” - bà Bình buồn rầu nói.
Năm ngoái, vườn tiêu của gia đình bà Bình thu hoạch được gần 6 tạ. Năm nay được hơn 1 tạ. Thương lái mua tại vườn, đầu mùa là 20 nghìn đồng/kg tiêu tươi. “Mưa xuống khoảng 3-4 ngày người ta mua còn có mười mấy nghìn. Tiêu khô giờ còn hơn 60 nghìn, còn tiêu xấu khoảng 50 nghìn đồng/kg. Đã mất mùa lại còn không được giá. Trong khi đó tiền công thuê hái cũng chiếm kha khá. Nếu không hái là tiêu rụng, hư hết cây, mùa sau sẽ không đạt năng suất nữa. Đúng là thiệt đơn thiệt kép” - bà Bình chia sẻ.
Hết thời hoàng kim?
Giai đoạn những năm từ 2010 đến 2018, tiêu và điều được xem là 2 loại cây trồng chủ lực tại một số địa phương ở Đồng Nai. Giai đoạn “hoàng kim”, tổng diện tích cây tiêu và điều trên địa bàn tỉnh lên đến hàng chục nghìn ha. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, giá điều và hồ tiêu liên tục giảm. Có những thời điểm, giá xuống quá thấp, thu không bù chi khiến người nông dân không còn mặn mà. Điều gì đến cũng phải đến khi hàng nghìn ha tiêu, điều bị chặt bỏ để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Riêng cây hồ tiêu giảm mạnh nhất với diện tích từ 19.000ha xuống còn gần 11.500ha. Diện tích trồng giảm, giá cả xuống thấp trong khi chi phí vật tư, công chăm sóc tăng vọt, cộng với thời tiết thất thường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất. Từ chỗ cây trồng cho lợi nhuận cao, tiêu, điều đã không còn giữ vững vị trí như giai đoạn hoàng kim.
Ông Lương Minh Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng hơn 300ha điều và khoảng hơn 100ha hồ tiêu. Qua nắm bắt tình hình, ông Tân thừa nhận, nông dân trồng hai loại cây này đang gặp khó khăn rất lớn khi vừa mất mùa mà giá cũng xuống thấp. “Năm ngoái, giá tiêu bán ra tại vườn hơn 80 nghìn đồng/kg, giá điều thì khoảng 30-35 nghìn đồng/kg nông dân còn có lời một ít. Còn năm nay, giá tiêu khoảng 60 nghìn đồng, điều khoảng 25 nghìn đồng/kg, trong khi đó, chi phí vật tư, công đều tăng cao, mất mùa do thời tiết nên gần như thua lỗ là điều chắc chắn” - ông Tân nhận định.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho hay, đang đợi các phòng ban chuyên môn tổng hợp tình hình sản xuất về cây tiêu và điều trên địa bàn. “Quan điểm của huyện là vận dụng tối đa mọi cơ chế để đồng hành cùng người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Linh nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, nhiều nông dân trồng tiêu ở các huyện như Cẩm Mỹ, Định Quán, Trảng Bom của Đồng Nai năm trước khi thấy giá tiêu xuống thấp nên đã trữ lại hy vọng năm nay giá tăng cao nhưng không ngờ giá lại còn thấp hơn năm trước. Điều này khiến các hộ trữ càng nhiều tiêu thì càng có nguy cơ lỗ lớn. Trong khi đó, với các hộ trồng điều, giá xuống thấp, mất mùa khiến nhiều nông dân không còn thiết tha. Với việc biến động liên tục, nhiều nông dân bộc bạch tâm tư về việc chuyển đổi dần diện tích trồng hai loại cây này sang trồng cây ăn trái như xoài, mít, sầu riêng cho thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-dan-dong-nai-gap-han-kep-5711221.html