Nông dân Hà Tĩnh khẩn trương thu hoạch lúa xuân để tránh mưa lớn
Vụ lúa xuân đang ở cao điểm thu hoạch thì từ ngày 21/5, thời tiết thường xuyên xuất hiện mưa rào. Để đảm bảo tiến độ, khắp nơi không khí ngày mùa trở nên gấp gáp, hối hả, tranh thủ từng chút nắng để đưa lúa về nhà trước khi mưa đến.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Nam đồng bằng Bắc Bộ và phía Bắc của Bắc Trung Bộ nên từ 22/5 đến ngày 23/5, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa lớn chủ yếu tập trung vào chiều và đêm với tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 50 – 100 mm.
Một số nơi như huyện Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh lượng mưa có khả năng trên 150 mm.
Diễn biến thời tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến thời vụ thu hoạch lúa xuân của các địa phương. Để đảm bảo tiến độ, đưa lúa về nhà trước khi mưa đến, nông dân các địa phương đang khẩn trương thu hoạch.
Ngay từ sáng sớm 22/5, trên đồng ruộng xã Xuân Lộc (Can Lộc), ngoài 2 máy gặt đập liên hợp trên địa bàn, xã đã “tăng bo” thêm 1 máy gặt đập từ địa phương khác đến hỗ trợ bà con nông dân.
Chị Trần Thị Hanh (thôn Mới, xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Trong chiều qua và ngày hôm nay phải tranh thủ trời hửng được lúc nào ra đồng lúc ấy để thu hoạch gần 5 sào lúa đã chín rộ của gia đình. May là đợt này mưa lớn chủ yếu tập trung vào cuối chiều và đêm. Máy móc được bố trí bài bản, gặt cuốn chiếu theo từng đồng, thông báo trên loa phát thanh nên bà con chủ động được kế hoạch. Từ chiều qua, tôi đã thu xong 3 sào rồi”.
Hiện nay, các địa phương có diện tích lớn của huyện Can Lộc như Khánh Vĩnh Yên, Kim Song Trường, Quang Lộc, Sơn Lộc… đều thực hiện phương án linh hoạt điều chuyển máy gặt để hỗ trợ người dân gặt “gọn” diện tích lúa còn trên đồng.
“Cứ hửng trời là máy gặt ra đồng, chúng tôi thì vừa tranh thủ chở lúa về vừa nhanh chóng dọn dẹp rơm rạ để khi mưa xuống không bị ngâm ướt, khó khăn cho công tác vệ sinh đồng ruộng để sản xuất vụ hè thu tới. Thời vụ “đuổi” sát lưng cộng với mưa nắng thất thường nên bà con phải cố gắng hết sức” - anh Trần Xuân Nam (thôn Lương Hội, xã Khánh Vĩnh Yên) chia sẻ.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc Phan Văn Kỳ, trong những ngày qua, toàn huyện có đến gần 220 máy gặt đã được phân bổ đến các xã để đẩy nhanh tiến độ. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 7.400 ha, đạt gần 80% diện tích, dẫn đầu là các xã Thiên Lộc, Thường Nga, Thuần Thiện…
Tại huyện Cẩm Xuyên, đến sáng 22/5, toàn huyện đã thu hoạch được trên 7.000 ha (đạt hơn 73% tổng diện tích). Áp lực nhất đối với bà con huyện lúa chính là hiện nay gần như tất cả các trà đều đã chín, nếu gặp mưa lớn có thể bị đổ ngã, gây khó khăn cho công tác thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Chiến - chủ máy gặt đập liên hợp tại xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Vì đợt này mưa nhiều vào ban đêm nên mình tập trung làm từ 7h sáng đến cuối chiều, trung bình tôi và 2 người nữa gặt được khoảng 35 sào/ngày tùy địa hình của đồng. Cứ ngớt các đợt mưa dông là anh em lại ra đồng, bà con đang trông hết vào chúng tôi nên mình cũng cố gắng tăng thời gian chạy máy lên”.
Không khí thu hoạch khẩn trương cũng đang hiện hữu khắp các địa phương từ miền xuôi đến miền ngược của tỉnh để đảm bảo lúa được thu gọn nhanh chóng. Dưới ruộng máy gặt hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm; trên các tuyến đường bê tông nội đồng, người dân huy động xe tải, xe ba gác, xe kéo… chờ gặt xong là nhanh chóng bốc xếp, chở lúa đến các điểm tập kết hoặc về nhà để kịp “né” đợt mưa bất chợt.
Ông Trần Trọng Bình (xã Việt Tiến, Thạch Hà) chia sẻ: “Vì dự báo từ sáng nay sẽ có mưa lớn nên máy gặt xong là chúng tôi chở lúa về nhà luôn. Tranh thủ phơi ở sân nhà, mưa thì có thể dọn vào nhanh gọn. Hơn nữa, chúng tôi còn chuẩn bị các loại bạt trải, bạt phủ để che chắn cho lúa khi mưa lớn xảy ra”.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hà Tĩnh cho biết: “Tính đến sáng ngày 22/5, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 37.700 ha lúa xuân (đạt 63% tổng diện tích và tăng hơn 7.700 ha so với ngày 20/5). Từ nay đến ngày 25/5, các địa phương tập trung cao nhất cho công tác thu hoạch lúa xuân, phấn đấu hoàn thành gọn các diện tích. Ngành chuyên môn và các địa phương cần bám sát dự báo thời tiết để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục có điều tiết về máy gặt hợp lý giữa các vùng. Đồng thời, thông báo đến người dân để chủ động khâu giữ nước, làm đất, dọn dẹp và khơi thông dòng chảy để sẵn sàng bước vào sản xuất vụ hè thu”.