Những ngày nắng nóng, vợ chồng ông Phan Viết Hồng (56 tuổi) và bà Đinh Thị Hợi (52 tuổi), trú thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn lại tranh thủ ra khu đồi phía sau nhà để cắt cây rành rành (còn gọi là cây trện) để phơi bán cho thương lái.
Trước đây khu rừng này có nhiều loại cây cối mọc hoang dã. Và cây trện được dân làng cắt, đào về làm củi, nhất là sử dụng vào mùa Đông đốt lửa tránh rét. Nhưng nay được người dân bảo vệ, trồng và chăm sóc trở thành cây trồng mang lại kinh tế cao.
Những năm 2000, nhận thấy cây trện có nhiều người mua nên ông Hồng cắt ra các chợ ở địa phương, thậm chí chở sang tỉnh Nghệ An để rao bán. Tuy nhiên sau đó gia đình đã phá bỏ một ít diện tích chuyển sang trồng tràm.
Nhưng thấy tràm lâu phát triển, lo sợ cây trện cũng bị chết dần nên gia đình bàn bạc và chặt toàn bộ gốc tràm khoảng 3 năm tuổi.
“Hiện gia đình có hơn 1ha đất trồng cây trện. Cứ thế hàng chục năm qua nhờ cây mọc hoang trên rừng này đã giúp gia đình tôi vươn lên phát triển kinh tế. Nuôi con vào đại học cũng nhờ cây trện này. Có những năm giá trện tăng cao, gia đình thu về hơn 80 triệu đồng/năm”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, những ngày nắng hai vợ chồng tranh thủ lên đồi khoảng 3h đồng hồ cắt xong sẽ mang xuống phơi. Khi khô sẽ bó lại thành từng cục để chờ tiểu thương đến mua.
Trện cắt tận gốc, từ 80-90cm là chiều dài tốt nhất. Khi cắt xong được người dân trải phơi trên đồi hoặc đưa xuống dưới sân vườn để phơi nắng khoảng 2 ngày.
Khi cắt xong, những cây cỏ, cây mọc hoang trên rừng sẽ được người dân loại bỏ.
“Trện thu hoạch vào mùa nắng, mùa mưa không cắt được. Thu hoạch trện ở đây theo hình thức cuốn chiếu. Vì là loại cây mọc hoang nên chỉ cần cuốc cỏ, bỏ ít phân là thu hoạch được mà không cần đầu tư chi phí nhiều”, bà Hợi cho hay.
Tại thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ có 10 hộ dân trồng trện với diện tích khoảng 4ha. Thu nhập hộ có diện tích lớn nhất với 2 ha, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 80 triệu đồng.
Niềm vui của người dân khi thu hoạch trện.
Trện sau khi thu hoạch cuốn chiếu sẽ được dọn cỏ tận gốc chờ phát triển tốt mới cắt lứa tiếp theo.
Hoa lá, búp... loài cây này cũng được thương lái thu mua ngay sau khi thu hoạch để nhập cho các cơ sở chế biến tinh dầu.
Người dân sau khi thu hoạch xong bó thành từng bó rồi mang xuống nhà để phơi.
Hoài Nam