Nông dân Hà Tĩnh thoát nghèo nhờ trồng sâm bố chính
Với chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng, sau khoảng 1,5 năm, nông dân ở Hà Tĩnh dự kiến bỏ túi khoảng 500 triệu đồng/năm từ cây sâm bố chính.
Từ năm 2023 trở về trước, trên tổng diện tích vườn 2ha, ông Lê Ngọc Tin (SN 1973, trú tại thôn Sơn Nam, xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên) trồng nhiều loại cây rau màu như: sắn, ngô,… và cây ăn quả: chanh, ổi…
Tuy nhiên, do năng suất kém, khó khăn về đầu ra, tháng 5/2023, ông Tin được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi 2.500 m2 sang trồng cây sâm bố chính. Tổng chi phí đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng, bao gồm chi phí mua giống, làm đất, đầu tư hệ thống tưới nước…
“Sâm bố chính vốn là loại cây chịu hạn tốt, do vậy, loài cây này phù hợp với vùng đất bán sơn địa tại xã Cẩm Thịnh. Trước khi xuống giống, đất được làm cỏ sạch, cày xới tơi xốp, bón lót phân vi sinh, xử lý triệt để mầm sâu bệnh hại, sau đó rắc vôi bột khử chua. Toàn bộ quá trình trồng không sử dụng phân bón hóa học.” – ông Tín chia sẻ.
Đầu năm 2024, vườn sâm bố chính của ông Tin cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất hơn 1,2 tấn. Củ sâm bố chính được bán ra với mức giá tùy loại, cụ thể: loại 14 củ/kg có giá 200.000 đồng/kg, loại 4 – 6 củ/kg có giá 600.000 đồng/kg.
Là người tiên phong trồng cây sâm bố chính tại huyện Cẩm Xuyên, ông Lê Ngọc Tin nhận được sự hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp xã về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc theo tiêu chuẩn. Dù sâm bố chính có thể bán làm bột sâm, trà sâm… cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, ông Tin dành phần lớn sản lượng để ngâm rượu, nỗ lực cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm rượu sâm bố chính Chiều Tin.
Ông Tin cho biết: "Củ sâm bố chính được chọn để ngâm rượu là loại củ có chất lượng tốt. Khi cây sâm bố chính trồng gần 1 năm, cây già có lá chuyển màu ngả vàng, củ chuyển từ màu trắng sang màu vàng, có trọng lượng khoảng 2 – 8gam/củ là đạt tiêu chuẩn".
Củ sâm sau khi thu hoạch sẽ được ngâm với nước gạo trong khoảng 1 ngày nhằm ra bớt chất nhầy, đây cũng là công đoạn quan trọng giúp rượu sâm có màu vàng đẹp, có vị thơm và không có mùi hăng của đất.
Đối với rượu ngâm, ông Tin sử dụng loại rượu nếp có độ cồn từ 35 – 40 độ được công nhận đạt chuẩn OCOP nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, bình ngâm rượu được chọn là bình sành sứ hoặc bình thủy tinh. Toàn bộ chi phí đầu tư bình và rượu ngâm khoảng 60 triệu đồng.
Rượu sâm bố chính được ngâm theo tỷ lệ 1 kg sâm bố chính ngâm với 6 – 7 lít rượu, sau đó đậy nắp bình và bảo quản nơi thoáng mát.
“Hiện tại gia đình tôi đang ngâm khoảng 70 chum rượu, dự kiến thời gian tới sẽ tăng lên 100 chum, ủ khoảng 9.000 lít rượu. Thành phần của sâm bố chính có nhiều chất bổ dưỡng cho sức khỏe, giảm đau đầu, mệt mỏi… Sau thời gian ngâm khoảng 1,5 năm, rượu sâm sẽ được bán ra thị trường, dự kiến mức doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm” – ông Tin cho biết.
Như vậy, với khoảng gần 100 triệu đồng đầu tư (từ ươm mầm, chăm sóc đến thu hoạch, bình, rượu...), người nông dân như ông Tin sẽ có thu nhập đều đặn lên tới 500 triệu đồng/năm nhờ cây sâm bố chính.
Ông Lê Ngọc Tin đang phối hợp với UBND xã Cẩm Thịnh hoàn thiện các thủ tục hồ sơ để công nhận sản phẩm rượu sâm bố chính đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đến thời điểm này, sản phẩm đã được kiểm định 10/10 chỉ tiêu bởi Viện Kiểm nghiệm và Kiểm định chất lượng VNTEST. Bên cạnh đó, mẫu rượu sâm bố chính cũng được kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn vào đầu tháng 7/2024.
"Hiện nay, về cơ bản các thủ tục công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đã được hoàn thiện. Tôi hy vọng rằng, khi tham gia chương trình OCOP, tôi có thể nhân rộng mô hình rượu sâm bố chính, kết nối thị trường tiêu thụ, từ đó tăng thêm thu nhập cho gia đình và góp phần trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã nhà." - ông Tin cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh, chia sẻ: “UBND xã Cẩm Thịnh lựa chọn sản phẩm rượu sâm bố chính để tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện nay, các thủ tục cơ bản đã được hoàn thiện, địa phương cũng hỗ trợ ông Lê Ngọc Tin hoàn thiện thiết kế mẫu mã bình đựng rượu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm trình lên UBND huyện Cẩm Xuyên, đánh giá sản phẩm rượu sâm bố chính Chiều Tin đạt chuẩn OCOP 3 sao.”
Cũng theo ông Thịnh, dựa trên đánh giá về hiệu quả kinh tế, sự phù hợp của cây trồng với vùng đất bán sơn địa, đơn vị sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình trồng sâm bố chính, giúp nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nong-dan-ha-tinh-thoat-ngheo-nho-trong-sam-bo-chinh-ar887484.html