Khánh Sơn là một trong 2 huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây có đến 60% là người dân tộc thiểu số sinh sống và nông nghiệp là nghề chủ đạo. Những năm gần đây huyện miền núi Khánh Sơn "thay da, đổi thịt" nhờ đặc sản cây sầu riêng.
Khánh Sơn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, là huyện miền núi vùng cao nên khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví như “Đà Lạt thứ hai” nên thích hợp với đặc tính của cây sầu riêng. "Cả huyện hiện có khoảng 2.600 ha sầu riêng, hiện thương lái thu mua với giá từ 75.000-95.000 đồng/kg, trung bình mỗi ha người nông dân thu về từ 700 đồng đến 1 tỷ đồng/ha", ông Lương Văn Quyết - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, cho hay.
Từ một hộ khó khăn của huyện Khánh Sơn, đến nay gia đình ông Văn Tấn Đạt (xã Sơn Lâm) đã xây nhà lầu, có của ăn, của để. "Gia đình có 3 ha sầu riêng trồng được 6 năm. Năm nay mỗi ha cho thu hoạch khoảng 10, với giá bán trung bình 85.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về 2-3 tỷ đồng", ông Đạt nói và cho biết khi quyết định trồng cây sầu riêng bản thân ông cũng không nghĩ có ngày thu được tiền tỷ như hiện nay.
Khánh Sơn hiện có khoảng 4 loại sầu riêng, trong đó cho năng suất và chất lượng tốt nhất là Monthong và Ri 6.
Do đặc điểm của khí hậu nên sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây và Đông Nam Bộ khoảng 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng. Điều này giúp cho sản phẩm sầu riêng của nơi này càng thêm đặc biệt. Sản phẩm trái sầu riêng của Khánh Sơn hiện không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Trung Quốc, Mỹ, Singapore...
Ông Bo Bo Vĩnh Thành (người đồng bào Raglai, ở xã Sơn Trung) đã trở thành tỷ phú nông dân ở Khánh Sơn nhờ sở hữu 4ha sầu riêng. Mô hình nông nghiệp của ông Thành trở thành điểm đến của nhiều nông dân khác tại địa phương học hỏi để thoát nghèo. "Trồng sầu riêng cực nhất là khâu chăm sóc vì chi phí cao, cây dễ sâu bệnh, nhưng nếu áp dụng tốt khoa học kỹ thuật và trồng có định hướng thì kết quả thu được lâu dài, bền vững", ông Thành chia sẻ.
Còn ông Mai Văn Khang (ở xã Sơn Bình) cho biết, gia đình có 10 ha sầu riêng và đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. “Với giá bán cao như hiện nay, gia đình tôi thu lãi 6-7 tỷ đồng sau khi kết thúc vụ sầu riêng”, ông Khang vui mừng nói.
Tổ hợp tác cây sầu riêng Sơn Lâm của ông Khang được cấp mã vùng trồng đủ chuẩn sạch để xuất khẩu đi Trung Quốc. "Sầu riêng của tổ hợp tác đều có chứng nhận sạch nên giờ đây chúng tôi không còn lo lắng đầu ra cho sản phẩm như những năm trước nữa", ông Khang chia sẻ.
Khánh Sơn có khoảng 450 ha sầu riêng VietGap và đã có 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép. Hiện còn 22 mã vùng trồng sầu riêng đã đăng ký, chờ xét duyệt, trong đó 6 mã vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa kiểm tra trực tuyến.
Từ năm 2012, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ - chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn. Năm 2019, sầu riêng tiếp tục được Tổng Hội NN&PTNT bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.
Ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn - khẳng định, sầu riêng là cây chủ lực giúp người nông dân huyện thoát nghèo bền vững từ nhiều năm nay. "Để giữ vững thương hiệu, thời gian qua huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định. Ngoài xuất đi Trung Quốc sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn đang hướng đến những thị trường khác để đa dạng thị trường tiêu thụ", ông Dũng cho biết.
"Sầu riêng muốn sạch bắt buộc phải áp dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm công sức, tăng năng suất mà còn đảm bảo sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn, phát triển bền vững hơn", ông Lương Văn Quyết - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, nói.
Ngoài xuất khẩu tươi, một số nông dân nhập máy móc để sản xuất sản phẩm sầu riêng sấy khô mang thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn. Trong ảnh, công nhân Công ty TNHH Nông nghiệp Thành Hưng (huyện Khánh Sơn) đang đóng gói sản phẩm sầu riêng sấy khô, chuẩn bị xuất ra thị trường.
Từ một huyện nghèo nhất nhì tỉnh Khánh Hòa giờ đây Khánh Sơn trở thành địa phương có kinh tế, hạ tầng phát triển, trong đó cây sầu riêng góp phần không nhỏ trong công tác giúp nông dân nơi đây thoát nghèo bền vững.
Xuân Hoát