Nông dân Hầu Sía Chứ làm giàu nơi 'xứ đá'
Là người con dân tộc Mông, sinh ra ở vùng đất khó khăn, nhưng với sự cần cù, chăm chỉ, anh Hầu Sía Chứ, hội viên Hội Nông dân xã Tả Lủng (Đồng Văn) đã vươn lên phát triển kinh tế, trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cùng cán bộ xã Tả Lủng đến gia đình anh Hầu Sía Chứ, sinh năm 1983 ở thôn Há Đề A, chúng tôi ấn tượng với ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, khu vực chăn nuôi được quy hoạch hợp lý, sạch sẽ. Đây chính là thành quả lao động miệt mài, chăm chỉ của gia đình nhiều năm qua. Trước đây, cũng như nhiều gia đình người dân tộc thiểu số trên địa bàn, nguồn thu nhập chính chỉ từ trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước cái nghèo đói, thiếu thốn trăm bề, anh Chứ quyết tâm vượt khó, thay đổi cuộc sống. Xác định phát triển kinh tế dựa trên đất đai sẵn có, anh Chứ mở rộng diện tích trồng ngô, tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô nuôi lợn đen địa phương và bò hàng hóa.
Anh Hầu Sía Chứ cho biết: Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, gia đình nhận thấy nuôi lợn không khó, nhưng để có hiệu quả kinh tế cao thì phải siêng năng, chịu khó, “lấy công để làm lãi”. Ngoài nấu cám ngô, có thể tận dụng các loại rau, thân chuối làm thức ăn; chú ý giữ vệ sinh chuồng trại, tiêm các loại vắc xin phòng, chống bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi… Gia đình nuôi trung bình khoảng 15 con lợn thịt mỗi lứa, bán từ 2 – 3 lứa/năm, mỗi lứa xuất trên 1 tấn lợn hơi. Đồng thời, duy trì nuôi 7 con bò Vàng, nhờ nguồn gen đặc hữu, đàn bò có thể trạng to lớn, năng suất thịt cao. Về đầu ra, các thương lái thường tìm đến tận nhà, gia đình cũng chủ động liên kết với một số nhà hàng tại thị trấn Đồng Văn để cung cấp thực phẩm.
Nhận thấy địa phương có nhiều cây hoa Bạc hà mọc tự nhiên, với bản tính chăm chỉ, ham học hỏi, anh Chứ đầu tư nuôi ong lấy mật. Nhưng khi mới bắt tay vào thực hiện, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên lượng mật ít, một số đàn ong bị nhiễm bệnh, năng suất thấp. Không nản chí, anh Chứ chủ động gặp cán bộ khuyến nông xã và những người nuôi ong thành công để nhờ tư vấn kỹ thuật nhân đàn, chăm sóc sao cho đúng cách. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đàn ong phát triển tốt, hiện gia đình duy trì nuôi 50 đàn ong, mỗi vụ thu được 120 lít mật, thu gần 50 triệu đồng. Để có nguồn lương thực phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi, gia đình còn trồng 1,2 ha ngô và nấu rượu, trung bình mỗi năm bán ra thị trường khoảng trên 500 lít rượu Ngô.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, gia đình anh Hầu Sía Chứ đã vươn lên từ hộ nghèo thành hộ khá trên địa bàn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng và được công nhận Danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chia sẻ về “bí quyết” để phát triển kinh tế thành công, anh Chứ cho biết thêm: Bà con nhân dân, nhất là đồng bào DTTS có ít kiến thức nên phải tích cực học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật thông qua sinh hoạt, tập huấn của các hội, đoàn thể để áp dụng vào thực tế. Đồng thời, khai thác lợi thế của gia đình, nắm bắt nhu cầu thị trường chăn nuôi và đặc biệt, không được nản chí khi gặp khó khăn.
Tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trên mảnh đất quê hương, gia đình anh Hầu Sía Chứ được UBND huyện Đồng Văn tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; xã tặng Giấy khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và có thành tích xuất sắc trong công tác hội, phong trào nông dân. Đồng chí Trần Ngọc Giác, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tả Lủng cho biết: Anh Chứ là hội viên nông dân tiêu biểu về tinh thần chủ động, mạnh dạn, không ngại khó, ngại khổ để thoát nghèo. Với kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật, anh còn tích cực truyền đạt cho các hội viên trong thôn cùng trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình kinh tế của gia đình không chỉ mang lại cuộc sống ấm no mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và nhân dân học tập, làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy KT – XH địa phương ngày càng phát triển.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202308/nong-dan-hau-sia-chu-lam-giau-noi-xu-da-a1541f0/