Nông dân Hiến Thành khôi phục trồng mủa

Sau nhiều tháng thất thu vì sâu phá hoại, người trồng mủa ở phường Hiến Thành (Kinh Môn) đang tích cực khôi phục lại loại cây trồng này.

Sau nhiều tháng bị sâu bệnh phá hoại, người dân phường Hiến Thành bắt đầu được thu hoạch mủa trở lại

Sau nhiều tháng bị sâu bệnh phá hoại, người dân phường Hiến Thành bắt đầu được thu hoạch mủa trở lại

Giá cao

Được coi là cây trồng chính trong sản xuất nông nghiệp của phường nên khi giá cao, người trồng mủa ở Hiến Thành rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Bân ở khu dân cư (KDC) Đông Nam cho biết: “Sau 45 ngày trồng, chúng tôi được thu hoạch một lứa. Với giá bán như hiện nay, gia đình tôi lãi khoảng 7 triệu đồng/sào”.

Niềm vui của ông Bân cũng là niềm vui của nhiều người trồng mủa ở phường trong vụ này. Mủa là cây trồng ngắn ngày, thị trường tiêu thụ rộng. Người dân không bán mủa tươi thì có thể bán cho thương lái để sấy khô nên không lo lắng về đầu ra. Do thời tiết thuận lợi nên năng suất mủa đạt từ 1 - 1,2 tấn/sào. Là người gắn bó với cây mủa nhiều năm nhưng chưa năm nào bà Nguyễn Thị Ấm ở KDC Huyền Tụng thấy việc tiêu thụ mủa thuận lợi, dễ dàng như hiện nay. Theo bà Ấm, mủa nhổ cả cây có giá 15.000 đồng/kg, còn cắt gốc 10.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm này năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.

Giá bán cao nhưng nguồn cung cấp mủa không có nhiều. Chị Nguyễn Thị Tươi chuyên thu mua mủa ở phường Hiến Thành cho biết: "Ở đây có nhiều lò sấy, lại có xe từ nơi khác về thu mua trong khi sản lượng có hạn nên chúng tôi phải đặt trước mới có hàng. Có những nhà mặc dù chúng tôi đã đặt trước rồi nhưng khi thấy có người mua với giá cao hơn họ lại bán mất".

Lo lắng vì sâu bệnh

Hiện người dân phường Hiến Thành rất lo lắng cho sự sinh trưởng, phát triển của cây mủa bởi ở đây vừa trải qua nhiều tháng mất mùa do sâu bệnh phá hoại. Theo bà Phạm Thị Sánh ở KDC Huyền Tụng, tháng 5 vừa qua, khi thời tiết nắng nóng cũng là lúc xuất hiện loại sâu lạ phá hoại cây mủa. Người dân đã áp dụng nhiều biện pháp từ phun thuốc bảo vệ thực vật đến bắt thủ công nhưng vẫn không tiêu diệt được loại sâu này. "Chúng phá hoại làm nhiều gia đình mất trắng cả mấy sào mủa. Gia đình tôi may mắn giữ lại được một phần nhỏ diện tích. Do không thể diệt trừ được sâu lạ nên nhiều người đã phải chuyển sang trồng lúa, ngô và các loại rau khác", bà Sánh nói.

Do mủa bị mất mùa, hỏng cả mủa giống nên người dân phải mua hạt mủa giống với giá 1,3-1,5 triệu đồng/kg, cao gấp 3 lần so với những năm trước. Có gia đình lại mua gốc mủa về trồng để tiết kiệm thời gian. Mặc dù đã qua thời kỳ cao điểm sâu phá hoại nhưng do giá mủa giống cao, nhiều gia đình còn lo lắng sâu bùng phát trở lại nên chưa dám trồng lại. Những hộ đã trồng cũng lo lắng cây mủa hiện bị trắng, khô đầu lá. Mặc dù người dân đã phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nhưng tình trạng này chưa được khắc phục.

Ông Vũ Văn Dung, Chủ tịch UBND phường Hiến Thành cho biết: "Vừa qua, sâu phá hoại gần như toàn bộ diện tích mủa của phường. Cơ quan chức năng của tỉnh cũng như Trung ương về kiểm tra nhưng vẫn chưa đưa ra được biện pháp phòng trừ triệt để. Khi thời tiết thuận lợi, chúng tôi đã chỉ đạo nhân dân tích cực khôi phục lại cây trồng. Đến nay, người dân đã trồng được khoảng 45 ha, giảm 15 ha so với diện tích chuyên canh mủa của phường".

Người dân phường Hiến Thành mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm ra biện pháp xử lý dứt điểm các loại sâu bệnh trên cây mủa để họ yên tâm sản xuất.

THANH HÀ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/nong-dan-hien-thanh-khoi-phuc-trong-mua-152559