Nông dân học sản xuất phân hữu cơ, hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Nhằm giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, tiếp cận với phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, giảm chi phí đầu tư trong chuỗi sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức khai giảng lớp tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản, tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh. Sau khi tham gia lớp tập huấn, nhiều nông dân đặt kỳ vọng: mô hình mới này sẽ mang lại nhiều đột phá cho nền nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới.

Nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp thực hành phối trộn phân hữu cơ khi tham gia lớp tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản

Nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp thực hành phối trộn phân hữu cơ khi tham gia lớp tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản

Tham gia lớp tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Lê Phước Tánh - Chủ nhiệm Thuận Tân Hội Quán, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, bày tỏ: “Theo tập quán canh tác trước đây, để cây trồng phát triển, nông dân thường sử dụng phân hóa học bón cho cây. Tuy nhiên việc sử dụng phân hóa học trong khoảng thời gian dài làm cho đất canh tác bị bạc màu, mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đất... từ đó, khiến năng suất và chất lượng trái sụt giảm. Vì vậy, ngay khi được địa phương mời tham gia lớp tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản, tôi rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình này. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi nhận thấy, mô hình khá phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân địa phương. Với phương pháp ủ phân hữu cơ này, nông dân có thể tận dụng tốt các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ và bón lại cho cây trồng. Giải pháp này vừa dễ thực hiện vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư rất nhiều. Đây là tiền đề để nông dân đầu tư “đường dài” với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái...”.

Theo đánh giá từ các chuyên gia nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Quan trọng hơn, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản dễ áp dụng, nông dân hoàn toàn có thể tự sản xuất phân hữu cơ bón cho mảnh vườn, thửa ruộng của mình với mức chi phí đầu tư vừa phải...

Ông Phạm Hữu Lợi - phụ trách Trường cấp 3 Nông nghiệp tỉnh Nam Định, cho biết: “Phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản được ủ theo phương pháp hiếu khí. Nguyên liệu được lựa chọn để ủ phân rất dễ tìm ở nông thôn như: rơm, vỏ trấu, cám, phân gà, phân bò... Các phụ phẩm này được phối trộn theo tỉ lệ và ủ hoai bằng phương pháp ủ hiếu khí. Với phương pháp này, các chất hữu cơ sẽ được phân giải thành các chất đạm, lân, kali... giúp cây trồng dễ hấp thụ. Bên cạnh đó giúp cải tạo đất trồng, giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng nông sản và giúp giảm ô nhiễm môi trường...”.

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra mẻ phân hữu cơ sau khi phối trộn

Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra mẻ phân hữu cơ sau khi phối trộn

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hướng đến xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, hiện tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, ngành nông nghiệp xác định giúp nông dân đổi mới tư duy sản xuất sẽ là một trong những nền tảng quan trọng nhất. Hành trình đó sẽ bắt đầu từ những việc làm nhỏ như ứng xử văn minh trong sản xuất để có thể áp dụng hiệu quả các quy trình sản xuất mới hướng đến tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Sản xuất nông nghiệp không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn hướng đến sản xuất sinh thái, bền vững có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và chính người trực tiếp sản xuất... Với những định hướng phát triển đó, mô hình hướng dẫn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm của Nhật Bản là một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp Đồng Tháp quan tâm, thực hiện. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhân rộng mô hình này, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...”.

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/nong-nghiep/nong-dan-hoc-san-xuat-phan-huu-co-huong-den-nen-nong-nghiep-ben-vung-124017.aspx