Nông dân hối hả thu hoạch vụ chanh cuối năm
Là vùng trồng chanh lớn nhất khu vực phía Nam, những ngày này hàng trăm nông dân ở Bến Lức, Đức Huệ, Thủ Thừa của Long An đang thu hàng chục triệu đồng nhờ cây chanh.
Với diện tích hơn 11.000 héc-ta, Long An được coi là thủ phủ chanh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang đến sinh kế cho hàng ngàn nông dân. Những ngày cuối năm này, dù giá chanh không quá cao nhưng nhu cầu tiêu thụ nhiều, thương lái thu mua sớm nên chanh vẫn mang tới thu nhập tốt cho nhiều nông dân.
Anh Trần Văn Thông, 31 tuổi ở xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ) cho biết thời điểm cuối năm giá chanh đang có chiều hướng tăng nhẹ so với mấy tháng trước. “Giờ hết mùa mưa và vào mùa tết rồi, giá chanh tăng thêm chút đỉnh. Mấy ngày qua thương lái thu mua chanh có hạt với giá từ 15.000 tới 18.000 đồng/kg; chanh không hạt từ 9.000 tới 12.000 đồng/kg. Nhà tôi có hơn 2 héc-ta chanh, từ nay tới tết sẽ thu khoảng 11 tấn trái. Tôi đang hái dần dần vì thông thường càng gần tết, giá chanh sẽ càng lên chứ không bao giờ giảm cả. Hy vọng đợt này có thể thu được 60 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, anh Thông chia sẻ.
Cũng theo anh Thông, khu vực quanh đây có rất nhiều ruộng chanh do vùng đất này trũng thấp, nhiễm phèn nên chỉ có một số ít loại cây trồng thích nghi được (quanh năm), trong đó có cây chanh. Chanh cũng là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế vì cho thu nhập quanh năm, chủ yếu tiêu thụ nội địa tại thị trường TPHCM. Ngoài bán cho thương lái, nhiều nông dân trồng chanh có quy mô nhỏ tại các huyện Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa… vẫn có thể mang trực tiếp sản phẩm lên bán tại TPHCM ở các chợ truyền thống hay liên kết với các chuỗi cửa hàng tiện ích do quãng đường di chuyển ngắn, chỉ khoảng 50 cây số.
Tại tuyến đường N2, ĐT 818, ĐT 816… qua địa bàn huyện Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa chúng tôi bắt gặp hàng chục vựa thu mua chanh của nông dân. Bà Hồng, chủ một vựa thu mua chanh ở đường ĐT 818 cho biết mỗi ngày thu mua khoảng 4 tấn chanh của nông dân. “Chanh ở đây thu mua sau đó lọc ra từng loại. Loại một đạt chuẩn thì mình gửi đi những chuỗi cửa hàng tiện ích. Những loại nhỏ hơn một chút thì bán cho chợ đầu mối, giá thấp hơn chút đỉnh. Chanh ở vùng Đức Huệ này là mọng và nhiều nước nhất. Chanh ở đây người dân hái quanh năm nhưng đợt cuối năm sẽ rộ hơn một chút vì nhu cầu”, bà Hồng cho biết.
“
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Long An đang hướng dẫn nông dân đẩy mạnh canh tác chanh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, liên kết sản xuất với các đối tác tiêu thụ để đầu ra ổn định và hiệu quả hơn. Khác với một số loại cây có diện tích lớn khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, chanh chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường nội địa thông qua các kênh truyền thống.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nong-dan-hoi-ha-thu-hoach-vu-chanh-cuoi-nam-10266826.html