Nông dân, HTX nỗ lực tái đàn vật nuôi ở 'kinh đô gà'
Đã hơn 3 tháng kể từ khi cơn bão số 3 đổ bộ vào TP Hải Phòng, công tác khắc phục hậu quả sau bão của HTX chăn nuôi Đại Phát (xã Tân Viên, huyện An Lão) và bà con nông dân có trang trại chăn nuôi trong toàn xã vẫn đang diễn ra. Đến nay, địa phương được mệnh danh là 'kinh đô gà' ở An Lão đã cơ bản khôi phục lại đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2025.
Xã Tân Viên là địa phương có vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn của huyện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của xã. Toàn xã có 57 trang trại, trong đó có 48 trang trại gà, 9 trang trại nuôi lợn.
Tái đàn khoa học
Tính đến hết tháng 8 năm 2024, tổng đàn lợn toàn xã Tân Viên có 9.200 con đạt 1.012 tấn, ước đạt 77 tỷ đồng. Tổng số gia cầm là 2.600.000 con, trong đó số lượng tại các trang trại chăn nuôi tập trung là 2.500.000 con, sản lượng đạt 6.250 tấn, doanh thu ước đạt 254 tỷ đồng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 45ha, tổng sản lượng 120 tấn, doanh thu ước đạt 5,4 tỷ đồng… Thương lái vẫn mệnh danh Tân Viên là “Kinh đô gà của Hải Phòng”.
Sau bão số 3, các gia trại, trang trại bị thiệt hại nặng nề. Số gia cầm chết khoảng 42.000 con; gia súc (chủ yếu là lợn) chết 428 con, gần 41ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại của toàn xã sau cơn bão số 3 là hơn 93 tỷ đồng.
Trò chuyện với phóng viên VnBusiness, ông Lương Xuân Tam – Chủ tịch UBND xã Tân Viên cho biết: Ngay sau bão, chính quyền địa phương đã huy động tất cả các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả của bão, đồng thời tiến hành kiểm tra, kê khai thiệt hại do bão, rà soát, lập danh sách đúng đối tượng để kịp thời hỗ trợ. Lãnh đạo UBND huyện, huyện ủy, mặt trận tổ quốc huyện và các đoàn thể, tổ chức đã xuống thăm hỏi động viên, tặng quà cho những gia đình thiệt hại nặng nề do bão.
Hiện nay, tình hình chăn nuôi của xã chưa thể phục hồi và phát triển như trước. Hầu hết bà con, thành viên HTX vẫn đang tiến hành sửa chữa lại trang trại và từng bước tiến hành tái đàn. Do ảnh hưởng sau bão nên việc tái đàn được diễn ra thận trọng, đảm bảo theo đúng quy định, khuyến cáo của Chi cục chăn nuôi, khuyến nông. Tránh tình trạng tái đàn ồ ạt trong khi chuồng trại chưa được dựng lại kiên cố, môi trường chưa dọn dẹp đảm bảo vệ sinh, vật nuôi dễ phát sinh dịch bệnh – Chủ tịch xã Tân Viên chia sẻ.
HTX chăn nuôi Đại Phát được biết đến là một trong những đơn vị đầu tàu của huyện An Lão có quy mô trang trại tập trung chăn nuôi lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi của HTX đạt tiêu chuẩn VietGap. Nhưng đến nay, nhiều trang trại của HTX đang là những đống đổ nát, hoang tàn chưa khắc phục xong, dù hàng chục công nhân vẫn miệt mài dọn dẹp liên tục nhiều ngày.
Quyết tâm khôi phục sản xuất
Trước đây, các hộ dân trong xã Tân Viên chủ yếu chăn nuôi tự phát, chưa có liên kết. Người nuôi mua thức ăn, con giống với giá cao. Thêm vào đó là chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để, gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Với mong muốn tạo sự liên kết trong chăn nuôi, cung cấp cho người chăn nuôi nguồn thức ăn, con giống, thuốc thú y bảo đảm chất lượng, giá thành hợp lý, anh Nguyễn Bá Lợi cùng một số thành viên họp bàn đi đến thống nhất: Thành lập HTX chăn nuôi Đại Phát.
Năm 2017, HTX Chăn nuôi Đại Phát được thành lập với 8 thành viên chính thức. 100% thành viên của HTX có hệ thống chuồng trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn, được vệ sinh khử trùng tiêu độc và bảo vệ môi trường xung quanh, phương thức thu gom và xử lý chất thải khoa học.
Tuy nhiên, chỉ với cơn bão số 3 đã khiến HTX bị thiệt hại hơn 4,5 tỷ đồng do hệ thống chuồng trại bị hư hỏng, gia súc, gia cầm chết, kho dự trữ thức ăn của vật nuôi bị hư hỏng - hàng tấn cám " đội nón ra đi"…
Anh Nguyễn Bá Lợi – Giám đốc HTX chăn nuôi Đại Phát chia sẻ với phóng viên: HTX có 6 trang trại, quy mô mỗi trang trại trung bình đạt 1.000m2. Trước bão, HTX nuôi ổn định là 10.000 con gà ri, 105 con lợn nái (giống) và 1.000 con lợn thịt. Do ảnh hưởng của bão khiến cho đàn gà ri đang nuôi của HTX bị nước cuốn trôi mất 1 nửa, 250 con lợn bị chết. Số gia súc, gia cầm còn lại sau bão phải tiến hành “bán chạy” vì không có chuồng trại che chắn lại kèm theo mưa lớn nên vật nuôi không đảm bảo sức khỏe.
Cùng với đó, sự cố mất điện kéo dài nhiều ngày, các máy phát điện chỉ hoạt động mang tính cầm chừng nên thiệt hại càng lớn. Sau bão, tìm công nhân đến khắc phục khó khăn vô cùng vì không có người, nguyên vật liệu khan hiếm, HTX đặt mua mãi mới được ít tôn về lợp mái. Theo tiến độ này, đến hết tháng 1/2025, việc sửa chữa, xây dựng lại trang trại của HTX sẽ cơ bản hoàn thành – anh Lợi chia sẻ.
Với quyết tâm khôi phục sản xuất, hiện nay, đàn vật nuôi của toàn HTX đã có 200 con lợn thịt phục vụ cho dịp Tết; 120 con lợn nái; 300 con lợn con.
Bão, lụt, trang trại sập đổ, kèm theo nhiều xác gia súc, gia cầm bị vùi lấp với bùn đất, mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Việc vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Từ sau bão đến nay, chính quyền xã Tân Viên đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của ngành chăn nuôi, nông nghiệp tổ chức 4 cuộc hội thảo, tập huấn, phổ biến kiến thức để bà con nhân dân, thành viên HTX có thêm kinh nghiệm khắc phục sản xuất sau bão, tái đàn hiệu quả.
Trải qua dịch bệnh, rồi đến thiên tai, kinh tế của người chăn nuôi nói chung và HTX nói riêng lúc này phần lớn đều ở trong tình cảnh khó khăn. Theo thông tin từ UBND xã Tân Viên thì hầu hết các hộ có trang trại trên địa bàn xã, cũng như HTX Đại Phát đều đã thế chấp tài sản để vay vốn phục vụ sản xuất từ trước đó. Đến nay, nhiều hộ vẫn chưa trả hết nợ, lại cộng thêm khoản kinh phí khắc phục hậu quả sau bão (hộ ít thì vài trăm triệu, người nhiều lên tới vài tỷ đồng). Vì vậy, mong muốn của người chăn nuôi lúc này là sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đầu tư, sản xuất, vượt qua được giai đoạn khó khăn, thử thách này.