Nông dân Hướng Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Hướng Hóa ngày càng phát triển và lan tỏa rộng. Qua phong trào đã giúp nông dân, nhất là nông dân người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được nâng lên.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa Hồ Văn Toàn cho biết: Hội Nông dân huyện Hướng Hóa hiện có trên 10.000 hội viên, sinh hoạt tại 21 tổ chức hội cơ sở. Xác định thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, trong những năm qua, hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền hội viên nông dân ở các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, chú trọng đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; có chính sách ưu đãi cho nông dân vay vốn phát triển cây trồng, con nuôi; cung ứng giống, phân bón, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể, đã thành lập 31 tổ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với 330 hộ, dư nợ cho vay trên 2 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập 99 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 3.496 hộ, dư nợ cho vay trên 160 tỉ đồng; phối hợp với Ngân hàng Liên Việt cho 330 hộ vay 14 tỉ đồng. Ngoài ra, với nguồn quỹ hỗ trợ nông dân 1.637 triệu đồng, trong đó 930 triệu đồng quỹ hỗ trợ của trung ương và tỉnh, 707 triệu đồng quỹ hỗ trợ của huyện, Hội Nông dân huyện đã cho hội viên vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, hội thường xuyên tổ chức hướng dẫn các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên nông dân ở các xã, thị trấn. Đến nay, Hội Nông dân huyện và cơ sở đã phối hợp với các ngành, trung tâm khuyến nông, trạm thú y, Công ty phân bón Bacteri, Công ty phân bón Trường Anh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức 50 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 2.300 hội viên nông dân; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức trên 71 lớp dạy nghề, trong đó 60 lớp nông nghiệp và 11 lớp phi nông nghiệp cho 2.489 hội viên nông dân; phối hợp với các ban, ngành tổ chức 82 lớp đào tạo nghề cho 3.000 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu, cây cao su, kỹ thuật chăn nuôi, thú y tại các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, Tân Lập, Tân Hợp, Tân Liên, Thuận, A Dơi, Hướng Lộc, Ba Tầng...
Hội cũng đã triển khai xây dựng 3 mô hình khí sinh học tại thị trấn Lao Bảo; 1 mô hình lúa nước thích nghi năng suất cao tại xã A Túc; 1 mô hình giống lúa mới Thiên Ưu 8, Bắc Thơm tại xã Tân Lập; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh xây dựng 5 mô hình nuôi cá lóc xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại thị trấn Khe Sanh; phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT xây dựng 8 mô hình bioga sử dụng khí sinh học vào sản xuất và sinh hoạt ở các xã Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân, Tân Hợp; 3 mô hình ứng dụng công nghệ giâm hom cây lâm nghiệp; 6 mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý ủ vỏ cà phê làm phân bón ở xã Hướng Phùng, Hướng Tân; thực hiện chương trình cải tạo đàn bò thông qua thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống zebu; chương trình nạc hóa đàn lợn đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorshire vào nuôi. Nhiều giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao được nhân rộng, bảo tồn và phát triển một số giống gia súc, gia cầm địa phương có hiệu quả như lợn rừng, gà bản.
Ông Hồ Văn Toàn cho biết thêm, đến nay huyện có 2.790 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, 20 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương; 32 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh; 803 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và 1.935 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Để phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo ngày càng lan tỏa đi vào chiều sâu, hội tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ hội viên, nông dân, nhất là hỗ trợ vốn, tìm kiếm thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế điển hình, phù hợp với mỗi địa phương...
Thực tiễn trong những năm qua, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Hướng Hóa đã tác động tích cực tới các hội viên nông dân, nhất là hội viên nông dân người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Quá trình này giúp người dân đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để áp dụng các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.