Nông dân Hương Khê vui chăm chè, kỳ vọng mùa thu hoạch bội thu
Những ngày này, nông dân xã Hương Trà (Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn hăng hái ra đồng chăm sóc cây chè mang theo kỳ vọng về một mùa thu hoạch bội thu sắp tới.
Thời điểm này, trên nông trường sản xuất chè công nghiệp liên kết với Xí nghiệp Chè 20/4 vẫn rộn rã tiếng nói cười. Năm 2020 là một năm thất thu của người nông dân khi nắng hạn gây chết nhiều diện tích chè đang vào mùa thu hoạch. Bởi vậy, từ đầu năm nay, người trồng tập trung chăm sóc, mong cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao vào vụ tới.
Cận tết, chị Đậu Thị Nga (thôn Tân Trà) vẫn tranh thủ ra đồng cuốc cỏ, chăm chè.
Những ngày này, ngoài đi chợ mua sắm tết, chị Đậu Thị Nga (thôn Tân Trà) vẫn tranh thủ ra đồng chăm chè. “Nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào cây chè. Năm ngoái, 2.000 m² chè đã chết hạn khiến chúng tôi thất thu nên bây giờ phải chăm sóc kỹ phần diện tích còn lại. Chúng tôi đã hoàn thành đốn gốc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật theo quy định trong tháng 1. Bây giờ, tập trung cuốc cỏ, dọn dẹp gốc chè sạch sẽ và tưới nước thường xuyên để tạo độ ẩm trong đất. Đồng thời, chúng tôi phải theo dõi sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chè để có các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Nhờ chăm sóc theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nên đến thời điểm này chè phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu”.
Cũng theo chị Nga, với 2.000 m² chè chết chưa thể trồng mới do thiếu giống và đây là khu vực xa nguồn nước. Hiện nay, gia đình tập trung nhổ bỏ cây chết, cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng cho khu vực này.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Tân Trà - Hương Trà) vun gốc diện tích chè trồng mới.
Trên đồng chè thôn Tân Trà, chị Nguyễn Thị Tuyết vẫn miệt mài cuốc cỏ, vun gốc cho chè.
Chị Tuyết cho hay: “Gia đình tôi liên kết sản xuất với Xí nghiệp Chè 20/4 đã 15 năm. Nhà tôi trồng 10.000 m² thì năm vừa qua, có đến 4.000 m² chè bị chết, do vậy sản lượng chè sụt giảm nghiêm trọng. Vừa rồi xí nghiệp hỗ trợ giống nên gia đình đã trồng lại khoảng 50% diện tích. Hiện nay, bên cạnh cuốc cỏ, vun gốc số chè trồng mới, chúng tôi tăng cường tưới nước cho lứa chè vừa đốn cành đầu tháng 1 dương lịch”.
Xí nghiệp Chè 20/4 và người dân đã đầu tư hạ tầng để cây chè được tưới nước thường xuyên.
Không riêng gia đình chị Nga, chị Tuyết mà 358 hộ trồng chè công nghiệp ở xã Hương Trà đều ra sức chăm bón. Họ chia sẻ, đây là giai đoạn quan trọng để cuối tháng Giêng bước vào vụ thu hoạch. Năm mới đến người trồng chè Hương Trà càng kỳ vọng về một vụ mùa bội thu.
Số chè bị chết do nắng hạn năm 2020 đã được người dân chặt bỏ
Anh Nguyễn Tiến Hoàng – Chuyên viên phòng Kế hoạch sản xuất, Xí nghiệp Chè 20/4 cho biết: “Xí nghiệp đang liên kết sản xuất với 360 hộ dân xã Hương Trà trên tổng diện tích 170 ha. Hạn hán năm 2020 gây ảnh hưởng xấu tới 30 ha chè đang cho thu hoạch, trong đó có 10 ha chè bị chết, thiệt thòi cho người sản xuất lẫn xí nghiệp. Cuối năm 2020, xí nghiệp đã hỗ trợ giống cho Nhân dân trồng mới khoảng 13 ha chè bao gồm số chè bị chết và số chè trên 30 năm tuổi đã bị giảm năng suất”.
Cán bộ kỹ thuật theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển của chè.
Cũng theo anh Hoàng, từ giữa tháng 12/2020, người sản xuất tiến hành bón phân và đốn chè. Sau đó sẽ phun thuốc phòng trừ nấm và thời điểm chè bật mầm nách sẽ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại. Hiện tại, người dân tiếp tục cuốc cỏ, vun gốc, tưới nước. Cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp. Năm 2020 bị thất thu, do vậy hiện nay người dân đang ra sức chăm sóc, tăng “sức đề kháng” cho chè.
Người trồng chè Hương Trà đang kỳ vọng về một mùa vụ bội thu thời điểm ra Giêng.
Ông Trần Công Quang – Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 thông tin: "Năm 2020, chúng tôi thu về trên 1.350 tấn chè búp tươi, trị giá đạt trên 9 tỷ đồng (không đạt kế hoạch đề ra trước đó là 1.800 tấn chè búp). Năm 2021, xí nghiệp phấn đấu thu hoạch khoảng 1.600 tấn chè búp tươi. Theo đó, chúng tôi sẽ đồng hành cùng người nông dân nâng cấp hạ tầng chống hạn, thực hiện các biện pháp chăm sóc cây chè theo chiều sâu. Tới đây, xí nghiệp dự kiến đầu tư hệ thống tưới tập trung cho 5 ha chè kiến thiết cơ bản (1 - 2 năm tuổi) và 15 ha chè kinh doanh. Còn ở các hộ đã có hệ thống máy móc, đường ống thì sẽ đầu tư thêm các hệ thống tưới tiên tiến”.