Nông dân hưởng lợi từ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu

Dự án 'Cải thiện nông nghiệp có tưới' (WB7) tỉnh Quảng Trị có 4 hợp phần, trong đó hợp phần 3 là 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu'. Sau 3 năm triển khai, hợp phần 3 đã phát huy hiệu quả tích cực, 'tiếp sức' cho nông dân trong canh tác, từ đó nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp và phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi, theo định hướng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

 Mô hình lúa CSA tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh - Ảnh: H.T

Mô hình lúa CSA tại HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh - Ảnh: H.T

Được triển khai trên cơ sở hạ tầng thủy lợi được cải thiện trong hợp phần 2 để nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, hợp phần 3 “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu” (CSA) đã góp phần làm tăng hiệu ích sử dụng nước, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các tác động bất lợi của thiên tai, đồng thời giảm phát thải gây tác động tiêu cực môi trường từ sản xuất nông nghiệp, từ đó đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn tỉnh.

Đến nay, hợp phần 3 dự án WB7 đã hỗ trợ xây lắp hạ tầng nội đồng để thực hiện 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA bao gồm hạ tầng tưới tiêu cho 6 khu mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” với diện tích 104,59 ha tại các xã Gio Mỹ, Gio Mai, Gio Quang, huyện Gio Linh; xã Thanh An, huyện Cam Lộ và các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh; hạ tầng theo công nghệ tưới tiết kiệm cho 6 khu mô hình “Sản xuất cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa” với quy mô 62,97 ha tại các xã Gio Mỹ, Gio Mai, Gio Quang, huyện Gio Linh và các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh; hạ tầng tưới cho 2 khu mô hình “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” với quy mô 9,5 ha tại các xã Kim Thạch, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh; hạ tầng tưới phun mưa , bể chứa nước cho 1 khu mô hình “Sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” với quy mô 2,02 ha tại phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh cho biết: “HTX Thủy Ba Tây tham gia mô hình CSA bắt đầu từ vụ đông xuân 2016 - 2017 với 23,6 ha. Tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ giống lúa, phân bón, người dân còn được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác hiện đại. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật gồm sử dụng các giống mới có phẩm cấp cao thay thế các giống cũ; phân bón cân đối và điều chỉnh số lần bón phù hợp; áp dụng cơ giới hóa trong các công đoạn làm đất, lên luống, sạ hàng, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch… đã cho năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất truyền thống, đặc biệt là hạn chế được sâu, bệnh hại, từ đó giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2-3 lần đã giảm được chi phí và ô nhiễm môi trường, tạo ra nông sản an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, sau 2 năm tham gia mô hình CSA, HTX đã nhân rộng mô hình lên 100,2 ha với sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân và các thành viên HTX. Đây là một trong những dự án mang lại hiệu quả rõ nét, nông dân được hưởng lợi rất nhiều từ dự án”.

Từ kết quả triển khai thực hiện các mô hình CSA cho các đối tượng cây lúa, cây màu và hồ tiêu cho thấy việc áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật như: Sử dụng các giống mới có phẩm cấp cao thay thế các giống cũ; phân bón cân đối và điều chỉnh số lần bón phù hợp; quản lý dịch hại tổng hợp IPM; áp dụng cơ giới hóa trong các công đoạn làm đất, lên luống, sạ hàng, gieo hạt, tưới nước, thu hoạch… đã cho năng suất và hiệu quả cao hơn so với sản xuất truyền thống. Việc sử dụng phân bón nhả chậm, bón phân cân đối và tăng số lần bón phân vô cơ từ 3 lên 4 lần và bón phân tập trung giai đoạn đầu đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đáp ứng đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng ở từng thời kỳ sinh trưởng. Nhờ đó, hiệu quả sử dụng phân bón tăng lên, giảm lượng phân đạm 30 - 36 kg/ha, hạn chế mất phân do bay hơi và rửa trôi. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng các mô hình CSA, thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân trong và ngoài mô hình đã góp phần rất quan trọng trong nâng cao năng lực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhận thức về biến đổi khí hậu, nhờ đó đã góp phần đưa năng suất và hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hữu Tâm khẳng định: “Việc triển khai các mô hình CSA đến nay đã thành công, được chính quyền cơ sở, HTX, người dân đồng tình, ủng hộ và chủ động nhân rộng. Thông qua các mô hình CSA người dân được hưởng lợi trên cả 3 mặt về kinh tế - xã hội - môi trường. Kết quả đó là bằng chứng rõ ràng về hiệu quả, tính lan tỏa của dự án đến người dân, HTX”.

Cùng với kết quả của dự án WB7 và các chính sách hiện hành của tỉnh như chính sách hỗ trợ và phát triển cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, tin tưởng rằng người nông dân, HTX trong toàn tỉnh sẽ tiếp cận và nhân rộng thực hành CSA trên quy mô lớn để góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, đưa nông nghiệp Quảng Trị tăng trưởng bền vững.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153989