Nông dân Hương Sơn trồng loài cây mọc hoang trên núi kiếm bộn tiền
Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã chủ động phá bỏ vườn tạp kém hiệu quả để trồng cây trện.
Đây là loại cây mọc hoang trên núi, phần ngọn dùng để chế biến tinh dầu trị bệnh, phần gốc dùng làm chổi quét sân hoặc bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc giúp bà con kiếm bộn tiền.
Loại cây mọc dại trên rừng
Cây trện (còn gọi là cây rành rành) là loại cây mọc tự nhiên xuất hiện nhiều trên vùng núi huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trước đây, loài cây này giá trị thấp, người dân thường lên núi cắt, đào về làm củi, nhất là sử dụng vào mùa đông đốt lửa tránh rét.
Từ ngày biết được nhiều công dụng của cây trện, thứ cây mọc hoang này được bà con nông dân khoanh nuôi, mua bán nhộn nhịp để làm chổi trện, chế xuất tinh dầu.
Sau 1 năm trồng, cây trện cho thu hoạch, phần ngọn dùng để chế biến tinh dầu với công dụng trị mệt mỏi, cảm cúm, đau nhức, điều hòa kinh nguyệt cho phụ nữ, còn phần gốc dùng làm chổi quét sân hoặc bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc.
Mùa thu hoạch rành rành đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Một số hộ kiếm hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhận thấy tiềm năng từ cây trện, hàng trăm hộ dân tại huyện Hương Sơn đã phá bỏ vườn tạp kém hiệu quả để trồng thứ cây hoang dã này. Hiện trên, huyện Hương Sơn có 190 ha cây trện, trong đó khoảng 170 ha cây trện tự nhiên và khoảng 20 ha trện trồng.
Cụ thể, xã Sơn Lễ có 10 hộ, diện tích hơn 4 ha; xã Sơn Tiến có hơn 80 ha, với hơn 100 hộ; còn xã An Hòa Thịnh có 45 hộ ở thôn Tân Thịnh chuyên chăm sóc, khai thác trện tự nhiên rộng hơn 100 ha ở núi Thiên Nhẫn.
Vợ chồng ông Phan Viết Hồng (56 tuổi) và bà Đinh Thị Hợi (52 tuổi), trú thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn đang bận rộn thu hoạch cây trện.
Theo Phan Viết Hồng, cây trện đã có mặt trên các đồi ở địa phương từ rất lâu, trước đây ít người để ý đến loại cây này vì giá trị của nó thấp. Sau này nhận thức được lợi ích của loại cây hoang dã này nên nhiều gia đình đã quyết định trồng trong vườn hộ gia đình mình.
Ông Hồng tâm chia sẻ: "Những năm 2000 nhiều người từ Nghệ An vào tìm mua cây trện về để làm tinh dầu và chổi nên loại cây này được bán với giá cao. Năm 2003, gia đình tôi quyết định chặt bỏ diện tích trồng tràm kém hiệu quả để chuyển qua loại cây này.
Từ cây hoang dại nông dân thuần hóa thành cây quý, kiếm cả khối tiền
Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 2ha đất trồng cây trện. Cứ thế hàng chục năm qua nhờ loại cây trên rừng này đã giúp gia đình tôi vươn lên phát triển kinh tế. Nuôi con vào đại học cũng nhờ cây trện này. Có những năm giá trện tăng cao, gia đình thu về hơn 80 triệu đồng/năm".
Theo bà Hợi (vợ ông Hồng) cho biết, cây trện khô được thương lái mua với giá 13.000 đồng-15.000 đồng/kg (mỗi kg trện tươi được 0,5kg trện khô). Để đủ kịp thời gian giao cho thương lái, ngoài các thành viên trong gia đình, tôi phải thuê thêm từ 3-5 người để thu hoạch.
Cây trện mọc tự nhiên ở núi Lều thuộc sở hữu của gia đình, gia đình bà Hợi thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu. Nhiều năm lại nay, nhu cầu tiêu thụ lớn nên thu hoạch đến đâu thương lái đến tận nhà thu mua hết, không bao giờ bị ứ đọng hàng.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2021 bà Nguyễn Thị Liên (SN 1969, trú tại xã Sơn Tiến) quyết định chặt bỏ hàng trăm cây tràm trên diện tích 2.500m2 để trồng cây trện. Bà Liên cho biết, trện là loại cây hoang dã rất dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng tràm.
Theo bà Liên, trện là loài cây dễ tính, nắng nóng hay mưa nhiều vẫn sống bình thường, không bị sâu bệnh phá hại, nhưng nếu muốn tăng năng suất, sản lượng cần nhổ cỏ và bón phân lân cho cây trện.
Ông Phan Xuân Huy-Chủ tịch Hội nông dân Sơn Tiến cho biết: "Cây trện ở Sơn Tiến chủ yếu là trện tự nhiên, dễ bán, thu nhập quanh năm. Hạt và hoa trện bán để làm tinh dầu được thương lái ở xã và từ Nghệ An vào thu mua, sau đó tiếp tục vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố khác. Do không cần đầu tư nhiều, lại dễ bán nên tính chung thu nhập thì vẫn khá hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.
Còn lãnh đạo UBND xã An Hòa Thịnh thì thông tin, hiện nay, thu nhập trung bình của mỗi ha trện đạt khoảng 30 triệu đồng/năm. Người dân không phải trồng, chỉ cần làm cỏ, bón phân rồi thu hoạch. Dù trên địa bàn không có cơ sở thu mua tập trung, song các đại lý ở các xã khác đến tận nhà thu mua nên rất thuận lợi.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mai Văn Khanh-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn cho biết: "Nhiều năm nay, cây trện được coi là loài cây xóa đói giảm nghèo trên vùng đất đồi ở Hương Sơn. Loại cây này được trồng nhiều ở các địa phương như: xã Sơn Lễ, xã Sơn Tiến và An Hòa Thịnh".
"Không chỉ xuất bán sang các địa phương khác, tại địa phương đã có cơ sở sản xuất tinh dầu trện được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Từ 1 loại cây mọc hoang trên núi, bà con huyện Hương Sơn đã biến thành loài cây mang lại thu nhập cao", ông Mai Văn Khanh-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn, nói.