Nông dân Ia Rtô chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các đoàn thể, bà con nông dân xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nâng cao thu nhập

Mì là một trong những cây trồng chủ lực của xã Ia Rtô. Năm 2023, toàn xã có 457 ha mì. Tuy nhiên, hầu hết diện tích mì đều bị nhiễm bệnh khảm lá, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng. Nhằm giúp người dân tiếp cận giống mì kháng bệnh khảm lá, đầu năm 2023, Hội Nông dân thị xã Ayun Pa phối hợp với Công ty cổ phần Giải pháp nông nghiệp Tiên Tiến (TP. Hồ Chí Minh) và Hội Nông dân xã Ia Rtô triển khai thí điểm giống mì HN1 trên diện tích 1,5 ha tại hộ ông Nay Tlăih (buôn Phu Ma Miơng). Tham gia mô hình, gia đình ông Tlăih được hỗ trợ 100% giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Sau 10 tháng triển khai, 1,5 ha mì của ông bắt đầu cho thu hoạch.

Mô hình thí điểm giống mì HN1 tại gia đình ông Nay Tlăih (buôn Phu Ma Miơng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Mô hình thí điểm giống mì HN1 tại gia đình ông Nay Tlăih (buôn Phu Ma Miơng) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.C

Ông Tlăih cho biết: Gia đình có tổng cộng 3 ha mì. Do bị nhiễm bệnh khảm lá, những năm vừa qua, năng suất chỉ đạt 15-20 tấn/ha. Vì vậy, khi biết Hội Nông dân triển khai thí điểm giống mì sạch bệnh, ông đã đăng ký tham gia với diện tích 1,5 ha. Kết quả cho thấy, dù trồng giáp ranh với rẫy mì bị nhiễm bệnh song diện tích mì HN1 không bị ảnh hưởng. Mì sinh trưởng, phát triển tốt, lá xanh, chiều cao cây trung bình khoảng 1,5 m. “Hiện gia đình đã thu hoạch được 5 sào với năng suất đạt 20 tấn. Thương lái mua tại rẫy với giá 2.800 đồng/kg. Năm nay, mì được giá nên bà con rất phấn khởi. Riêng 1,5 ha mì HN1 ước mang lại cho gia đình thu nhập trên 150 triệu đồng. Công ty cam kết để lại một phần hom mì cho gia đình tái sản xuất vụ tiếp theo, phần còn lại công ty thu hồi để triển khai mô hình hỗ trợ các địa phương khác”-ông Tlăih bộc bạch.

Là một trong số những hộ tiên phong chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hiện nay, gia đình ông Lê Văn Minh (thôn Đức Lập) có thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm, là hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Năm 2017, ông Minh đã mạnh dạn chuyển 3 ha điều cằn cỗi dưới chân đèo Tô Na sang trồng 2.000 cây cam và 400 cây quýt. Ông cũng đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bón phân hữu cơ ủ mục để cải tạo đất; đồng thời, áp dụng kỹ thuật cho cây ra quả 3 vụ/năm vừa đảm bảo nguồn hàng cung cấp thường xuyên cho thị trường vừa tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

Ông Minh chia sẻ: “Gia đình tôi là 1 trong 2 hộ có diện tích cam lớn nhất xã. Tuy nhiên, vào mùa nắng, lượng cam của gia đình vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Thương lái đến tận vườn thu mua về bán tại thị xã và các huyện lân cận với giá trung bình 15.000 đồng/kg. Với năng suất 15 tấn/ha/năm, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập trên 400 triệu đồng”.

Theo thống kê, tổng diện tích cây ăn quả của xã Ia Rtô khoảng 51 ha, với những cây chủ lực như: cam, quýt, na dai, chanh dây, chuối… tập trung tại các thôn Tân Lập, Đức Lập. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Tấn Sỹ, nhờ điều kiện phù hợp và người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây ăn quả đạt cao. Xã định hướng thu hút đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vừa góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng phát triển khá tốt. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi bò thả rông thì hiện nay, hầu hết các hộ đầu tư nuôi bò lai, nuôi nhốt, vỗ béo. Một số hộ chăn nuôi dê, heo và các loại gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu có thể kể đến mô hình nuôi heo rừng lai của chị Ksor Huế (buôn Phu Ma Nher 2).

Năm 2017, nhờ nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã, chị Huế đầu tư mua 5 con heo rừng lai và làm chuồng trại chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, sau gần 2 năm, đàn heo tăng lên 38 con. Heo xuất chuồng, chị đầu tư mua 4 con bò, nuôi thêm gà, vịt và trồng 1 sào chuối làm thức ăn. Mô hình kinh tế tổng hợp mang lại cho chị thu nhập trên 150 triệu đồng/năm. Khi các hội, đoàn thể tổ chức đoàn tới tham quan, học hỏi, chị Huế đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với hy vọng giúp đỡ thêm nhiều chị em phụ nữ, hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo.

Đẩy mạnh liên kết

Ia Rtô là một trong những xã thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã hiện có 241 ha lúa, 591 ha bắp, 355 ha đậu đỗ, 457 ha mì, 185 ha rau dưa, 53 ha cây ăn quả, 68 ha điều, 60 ha mè, 34 ha mía… Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 10.000 con. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với các ban, ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế có hiệu quả; hỗ trợ nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Khi có vốn và kiến thức, nhiều hội viên nông dân tận dụng lợi thế về đất đai, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, thu nhập bình quân đạt 43 triệu đồng/người/năm.

Mô hình liên kết sản xuất thuốc lá đem lại thu nhập cao cho người dân xã Ia Rtô. Ảnh: V.C

Mô hình liên kết sản xuất thuốc lá đem lại thu nhập cao cho người dân xã Ia Rtô. Ảnh: V.C

Một trong những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây là người dân đã biết liên kết với các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; điển hình như mô hình sản xuất thuốc lá. Với 2 công ty đứng chân tại xã (Công ty TNHH Thuốc lá Hữu Nghị, Công ty TNHH Kim Ngọc B), hơn 60 ha thuốc lá của người dân trong xã đều được các công ty đầu tư hỗ trợ một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng ký kết ngay từ đầu vụ. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc, nhân viên của công ty thường xuyên bám đồng hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Hiện các công ty đang triển khai hỗ trợ vốn để người dân xây lò sấy thuốc lá bằng điện nhằm giải bài toán về nhân công, nguyên liệu đốt, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế.

Anh Hồ Ngọc Nhân (thôn Đức Lập) chia sẻ: “Cây thuốc lá từ khi gieo giống đến lúc thu hoạch mất khoảng 6 tháng với chi phí khoảng 80 triệu đồng/ha. Khi liên kết với công ty, người dân không phải vay lãi cao từ thương lái nên hạn chế được tình trạng “tín dụng đen”. Thuốc lá ra lò, công ty cho xe đến thu mua tại nhà nên ai cũng yên tâm. Gia đình tôi dự kiến mùa thuốc lá năm sau sẽ dồn vốn nhờ công ty tư vấn cải tiến lò sấy truyền thống sang lò sấy bằng điện để bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh thuốc lá, một số cây trồng khác như: mía, bắp sinh khối, ớt cũng đang được các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tạo điều kiện cho bà con yên tâm mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Việc thị xã tạo điều kiện, thu hút đầu tư vào Cụm Công nghiệp Ia Sao, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản là tiền đề mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm cho lao động tại chỗ.

Ông Ksor Uyên-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho biết: Nhiều năm nay, người dân trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giới thiệu, hỗ trợ cây, con giống mới chất lượng tốt, năng suất cao để bà con đưa vào sản xuất; đồng thời, liên hệ với các doanh nghiệp triển khai mô hình, dự án thí điểm tại địa phương, tổ chức hội thảo đầu bờ để người dân chứng kiến, đánh giá hiệu quả và áp dụng thực hiện dựa vào điều kiện thực tế gia đình. Người dân dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Nhiều hộ vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và liên kết sản xuất đang đi đúng hướng và mang lại hiệu quả khả quan. Đây là tiền đề để người dân tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thời gian tới, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nong-dan-ia-rto-chuyen-doi-cay-trong-vat-nuoi-post253445.html