Nông dân Ia Sol cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế
Vài năm gần đây, phong trào cải tạo vườn tạp để trồng rau và cây ăn quả đã giúp hàng trăm hộ nông dân xã Ia Sol (huyện Phú Thiện, Gia Lai) nâng cao thu nhập và làm giàu.
Xanh mướt vườn rau
Gia đình ông Phan Văn Quang (thôn Thắng Lợi 1) có mảnh vườn rộng hơn 1 sào trước đây trồng nhiều loại cây bóng mát và cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 2 năm gần đây, ông Quang quyết định cải tạo lại mảnh vườn bằng cách thuê người chặt hạ hết các loại cây kể trên rồi chở đất phù sa ngoài ruộng về bồi đắp lên để trồng cà pháo.
Khi chúng tôi đến, ông Quang đang cùng 2 người làm thuê thu hoạch cà pháo. Sau gần 3 tháng xuống giống, vườn cà pháo đã cao ngang hông người lớn, trĩu quả. “Cà pháo từ lúc ươm hạt đến lúc cho quả mất khoảng 2,5 tháng, sau đó thu hoạch liên tiếp trong 6 tháng. Mỗi tuần, tôi hái bán 200 kg. Với giá bán ổn định 30.000 đồng/kg tôi thu về 6 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tôi lãi ròng 5,4 triệu đồng/tuần. Nếu giá cứ ổn định như vậy thì trong mỗi vụ thu hoạch cà pháo tôi có tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/sào”-ông Quang vui vẻ cho hay.
Ở thôn Thắng lợi 1, hầu hết các hộ dân đều trồng rau xanh trong vườn nhà để bán. Sau khi cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng 1,5 sào rau ngót, gia đình ông Mã Văn Chỉ còn thiết kế hệ thống béc phun để tiết kiệm nước và thời gian, công sức. Ông Chỉ cho biết, rau ngót rất thích hợp với đất phù sa, chân ruộng cao ráo, thoát nước tốt và khí hậu nắng nóng đặc trưng của vùng Đông Nam tỉnh. Trồng rau ngót giống địa phương ít bị sâu bệnh nên khâu chăm sóc khỏe hơn nhiều so với các loại rau khác. “Chủ yếu là tưới nước, làm cỏ và dùng phân bón phun qua chứ gần như không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật”-ông Chỉ nói.
Theo ông Chỉ, trồng rau ngót rất dễ, cứ sau mỗi lứa thu hoạch thì cắt hết cả cành lá, chỉ chừa lại phần cách mặt đất chừng 1 gang tay, sau đó tưới nước, bón phân là rau lại cho ra lứa khác. “Nếu chăm sóc tốt, rau ngót cho thu hoạch 8 lứa/năm, năng suất trung bình đạt 1,5 tấn/lứa/sào. Như vậy mỗi sào cho thu hoạch 12 tấn rau/năm. Hiện tại, khi giá rau ngót đang xuống thấp ở mức 2.000 đồng/kg thì mỗi năm vẫn cho thu nhập 24 triệu đồng/sào”-ông Chỉ nhẩm tính.
Làm giàu trên đất vườn
Khu vực các thôn Thắng Lợi 1, 2, 3, 4 thuộc xã Ia Sol có nguồn nước tưới dồi dào nhờ hệ thống kênh chính thủy lợi Ayun Hạ đi qua. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào kinh tế mới ở tỉnh Ninh Bình vào sinh sống từ hơn 20 năm trước, mang theo nghề trồng rau xanh từ lâu đời. Tuy nhiên, trước đây, mỗi hộ chỉ trồng một đám rau nhỏ để phục vụ nhu cầu bữa ăn của gia đình. Chỉ ít năm lại đây, phong trào cải tạo vườn tạp trồng rau xanh mới phát triển rầm rộ. Hiện nay, khu vực các thôn Thắng Lợi đã trở thành vùng chuyên canh rau xanh với đủ các loại rau phục vụ nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: Toàn xã có hơn 25 ha rau xanh, chủ yếu tập trung ở các thôn Thắng Lợi 1, 2, 3, 4.
Trưởng thôn Thắng Lợi 1 Mã Văn Thủy dẫn chúng tôi đi bộ rảo qua hơn chục hộ trồng rau nhiều nhất xã. Hai bên con đường thảm nhựa rộng rãi là các khu vườn xanh mướt đủ loại rau ăn lá, củ, quả. Nhiều hộ thiết kế hệ thống béc phun bơm tưới cho rau rất bài bản. “Thôn có 219 hộ thì 200 hộ chuyên canh rau xanh. Mùa nào thức nấy, hàng ngày có đến mấy chiếc xe tải vào tận nơi để gom rau chở đi bán ở Đà Nẵng, Đak Lak và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ trồng rau mà đời sống kinh tế bà con trong thôn khá dần lên, nhiều hộ xây được nhà tầng”-Trưởng thôn Thắng Lợi 1 phấn khởi cho hay.
Không chỉ cải tạo vườn tạp để trồng rau, nhiều hộ còn chuyển hướng trồng cây ăn quả như ổi, na… Mới đây, nhiều người trầm trồ khi thấy ông Bùi Đình Lục (thôn Thắng Lợi 1) trồng vườn dưa hấu treo giàn lưới bán trong dịp Tết Nguyên đán 2020, thu về hơn 200 triệu đồng.
Ở xã Ia Sol hiện nay, mô hình làm vườn quy mô nhất phải kể đến là mô hình của anh Tống Văn Tư (SN 1992, ở thôn Thắng Lợi 1). Anh Tư đã mạnh dạn bỏ tiền túi sang tận đất nước Israel để học cách thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt về áp dụng cho trang trại trồng cây ăn quả 5,5 ha của mình. Hiện tại, các loại cây như dừa, xoài, mít Thái, na dai, na Thái… đã phủ xanh khắp trang trại. Dẫn chúng tôi đi giữa vườn na Thái lúc lỉu trái, anh Tư cho hay: “Trang trại đang trong giai đoạn kiến thiết, chưa đi vào kinh doanh nên chưa thể tính ra doanh thu được. Mới chỉ mấy trăm gốc na Thái trồng 3 năm đang cho quả bói. Tôi vừa khoan giếng sâu 80 m để bơm tưới. Chỉ 2 năm nữa các anh đến sẽ thấy trang trại khác liền”.