Nông dân khốn đốn vì sâu bệnh
Sâu keo mùa thu đang gây hại ở hơn 40 nước trên thế giới. Riêng tại Việt Nam mới chỉ xuất hiện nhưng đã nhanh chóng lây lan trên toàn quốc.
Bùng phát mạnh
Hiện sâu keo mùa thu đang lây lan và gây hại cục bộ tại nhiều địa phương ở khu vực Tây Nguyên, trong đó, Gia Lai là địa phương bị thiệt hại nặng. Sâu keo mùa thu xuất hiện tại Gia Lai từ tháng 5/2019 tại các huyện Kbang, Kông Chro và Đak Pơ, sau đó, sâu keo lây lan sang nhiều huyện khác. Đến ngày 15/7/2019, sâu keo mùa thu xuất hiện tại 12/17 huyện, thị xã, thành phố với mật độ trung bình 2-6 con/m2, cao 10 con/m2 với diện tích 4.936,2 ha.
Tại huyện Kông Chro (Gia Lai), một trong những huyện có diện tích trồng ngô lai lớn của Gia Lai, với diện tích khoảng 11.000ha, hiện diện tích ngô bị nhiễm sâu keo là khoảng 1.644ha, chiếm 28,5% diện tích trồng ngô trên địa bàn.
Theo ông Đinh Chinh, xã Yang Trung, huyện Kông Chro (Gia Lai), gia đình có gần 1,5ha ngô lai giống NK 7328 và đều đạt năng suất cao. Song vụ này, gần 100% diện tích trồng ngô lai của gia đình bị sâu keo gây hại. Như vậy chắc chắn sản lượng khi thu hoạch sẽ bị giảm. May thì hòa vốn, nếu nặng hơn lỗ là cái chắc.
Không riêng tại Koong Chro, cuối tháng 4/2019 đến nay, nhiều diện tích ngô của người dân huyện Kbang (Gia Lai) cũng bị sâu keo gây hại. Ông Đinh Bới, xã Lơ Ku, huyện Kbang (Gia Lai) có 1,5ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại. Sau khi phát hiện, gia đình đã dùng nhiều biện pháp để diệt và hiện cây ngô đang dần hồi phục.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, diện tích trồng ngô hàng năm trên địa bàn gần 50.000ha, tập trung nhiều nhất là các huyện Kông Chro, Kbang, Chư Prông… Từ tháng 4 đến nay, sâu keo xuất hiện tại 11 huyện, thị xã với diện tích ngô bị nhiễm bệnh là hơn 5.517ha. Trong đó, nhiễm nhẹ 3.155ha; trung bình hơn 1.179ha và nhiễm nặng hơn 1.182ha; mật độ phổ biến 2-4 con/m2; cao từ 7 đến 10 con/m2…; gây hại chủ yếu trên các giống ngô như NK66, NK67, NK7328, Bioseed 9698 và các giống ngô nếp. Các địa phương có diện tích ngô nhiễm nhiều là Chư Prông 2.565ha, Kông Chro 1.443ha, Chư Pưh 1.249ha, Kbang 130ha…
Trước tình hình sâu keo gây hại cây trồng, UBND tỉnh Gia Lai; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tổ chức 29 lớp hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu keo hại ngô cho 1.900 người tham gia. Đến nay, đã xử lý được khoảng 3.777ha ngô bị nhiễm sâu keo. Trong đó, hơn 2.197ha được xử lý bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ Thực vật; phun từ 2-3 lần đạt hiệu quả 70-80%. Tuy nhiên, do chỉ xử lý thuốc 1 lần nên vẫn còn khoảng 1.411ha sâu keo tái phát. Vì vậy hiệu quả phòng trừ chỉ đạt dưới 50%.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, trước tình hình sâu keo hại cây trồng lây lan nhanh trên địa bàn, ngành Nông nghiệp địa phương đã hướng dẫn người dân cách nhận biết cũng như biện pháp phòng trừ; sử dụng các bẫy sinh học để tiêu diệt sâu trưởng thành và tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vi sinh vật ký sinh…
Những diện tích ngô bị nhiễm nặng, không có khả năng thu hoạch, người dân phải phá bỏ để tránh lây lan trên diện rộng. Quan trọng nhất là các địa phương cần ra quân đồng loạt trên từng cánh đồng, huy động nhiều lực lượng tham gia phòng trừ sâu keo mùa thu. Trong thời gian tới, ngành sẽ hướng dẫn người dân sử dụng các giống ngô kháng được sâu keo; tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng đúng mật độ…
Cần triển khai các giải pháp tổng hợp
Theo các chuyên gia, do đây là dịch hại mới nên việc hiểu biết và phòng trừ của người dân còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, công tác chỉ đạo của địa phương chưa thật sự sâu rộng đến người dân. Đặc biệt, một số hộ dân chưa tuân thủ quy trình phòng trừ do cơ quan chuyên môn hướng dẫn…
Cho đến nay, tình trạng sâu keo đã xuất hiện và gây hại trên cả nước. Theo Cục Bảo vệ Thực vật, đến ngày 12/7/2019, tổng diện tích ngô bị sâu keo mùa thu trên toàn quốc là 14.893ha, trong đó, có 1.254ha bị thiệt hại nặng. Diện tích ngô nhiễm sâu keo mùa thu tại 13 tỉnh phía Bắc là khoảng 7.053ha diện tích cây trồng; khu vực Bắc Trung bộ là 336ha; các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên khoảng 6.985ha (nặng 840ha); khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL 519 ha (nặng 9ha). Đến nay, diện tích phòng trừ được là 7.227ha. Qua theo dõi ở nhiều địa phương từ tháng 3/2019 đến nay, trong giai đoạn ngô non 5-9 lá, dù bị sâu keo gây hại nhưng vẫn trổ cờ phun râu bình thường vì giai đoạn này ngô đang rất khỏe.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sâu keo mùa thu đang gây hại ở hơn 40 nước trên thế giới. Riêng tại Việt Nam mới chỉ xuất hiện nhưng đã nhanh chóng lây lan trên toàn quốc. Thời gian tới, các địa phương cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 4962/CT-BNN-BVTV của Bộ NN&PTNT về tăng cường công tác phòng, chống sâu keo; tổ chức tuyên truyền cho người dân nhận biết được sự nguy hiểm của loài sâu này để triển khai các giải pháp phòng trừ tổng hợp.
Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra, thăm đồng. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thiện các thí nghiệm, thực nghiệm để sớm công bố quy trình và các giải pháp khác nhau phòng trừ sâu keo một cách hiệu quả; tìm các giống ngô kháng được các loài sâu, rệp để người dân sản xuất…
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nong-dan-khon-don-vi-sau-benh-90529.html