Nông dân khốn khổ vì phân bón Bình Điền giả
Tại Phú Yên và Bình Định, phát hiện 48 bao phân bón giả nhãn hiệu Bình Điền khiến hàng trăm ha dưa hấu của nông dân không phát triển.
Tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng xảy ra tràn lan nhiều năm qua và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Mới đây, tại huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã phát hiện ra một đại lý phân bón ở tỉnh Bình Định bán phân giả cho khá nhiều hộ dân trồng dưa hấu trong vùng.
Người dân hết sức bức xúc bởi họ đã đầu tư không ít vốn liếng để mua phân bón cho vụ dưa, nhưng cây dưa lại không phát triển chỉ vì phân bón giả.
Những luống dưa ở thôn Suối Cối, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên sau gần một tháng xuống giống vẫn còi cọc, không phát triển trong khi ở những vườn dưa khác dưa phát triển khá tốt
Ông Võ Trung Trực, một trong số những hộ dân dùng phải phân bón giả ở đây cho biết: "Tôi đem số phân này ngâm nước, sau đó tôi lấy xẻng đảo lên thì thấy toàn đất sét, từ đó tôi thông báo cho những anh em ở đây đình chỉ không sử dụng số phân này".
Người dân địa phường cho biết, đã mua số phân NPK 20-20-15 mang nhãn hiệu đầu trâu Bình Điền của một người phụ nữ tên Trang, ở đại lý phân bón Anh Trang (phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Sau khi phát hiện số phân bón trên là giả, các hộ dân ở đây đã báo cáo cho chính quyền địa phương và gọi trực tiếp đến người phụ nữ tên Trang.
"Khi tôi phát hiện phân giả, tôi có điện báo cho bà Anh Trang thì bà này mới thừa nhận là phân giả. Sau đó, bà Trang mới chở số phân mới để đền lại đúng số lượng 48 bao, còn lại 9 bao phân giả chưa sử dụng bà Trang đòi chở về. Nhưng chúng tôi không đồng ý", bà Huỳnh Thị Mai, một nông dân mua phải phân bón giả bức xúc cho biết.
Xã Xuân Quang 1 có hơn 220 ha dưa hấu, nhiều người trồng dưa ở đây đến từ các tỉnh khác. Phân bón được sử dụng cũng được mua từ nhiều đại lý, trong đó chủ yếu là các đại lý ở Phú Yên và Bình Định.
Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết: "Chúng tôi đã chỉ đạo đồng chí Chủ tịch Hội nông dân và một chuyên viên của Phòng Nông nghiệp phối hợp với địa phương đến địa bàn có phân giả để kiểm tra xem thông tin này có chính xác hay không và báo cáo lên cấp trên xử lý. Đồng thời, sẽ có định hướng để địa phương tiếp tục canh tác sản xuất".
Báo Nhân Dân điện tử dẫn lời bà Nguyễn Thị Trang, đại diện Công ty Anh Trang. Bà Trang cũng thừa nhận là có bán 48 bao phân cho năm hộ dân đang sản xuất dưa tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân như đã đề cập ở trên. Sau khi nghe phản ảnh bà Trang đã đem 48 bao phân bón mưói đền bù cho bà con nông dân.
Trả lời về nguồn gốc loại phân này, bà Trang cho biết là mua lại tại một số đại lý khác trên địa bàn tỉnh Bình Định rồi cung cấp lại cho người trồng dưa. Theo bà Trang 48 bao phân đã bán cho những hộ trồng dưa nói trên là bán nợ, mỗi bao giá 720.000 - 730.000 đồng/bao, sau khi thu hoạch dưa sẽ thu nợ.
Trong khi đó, ông Lê Bá Cung - cán bộ marketing thuộc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đại diện tại Phú Yên, ông Cung cũng xác nhận việc xuất hiện phân bón giả sản phẩm thương hiệu phân bón đầu trâu của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, bán cho người trồng dưa tại thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân là chính xác.
Trước Tết Nguyên đán 2014, công ty Cổ phần phân bón Bình Điền cũng phát hiện hiện tượng này tại một số đại lý cung cấp vật tư phân bón cho người trồng dưa có địa chỉ ở Bình Định. Công ty đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đề nghị can thiệp, làm rõ.
Tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nông dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu của các doanh nghiệp mà còn phá hoại môi trường sống./.