Nông dân khốn khó vì thiên tai, dịch bệnh
ĐBP - Vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng hạn, sâu bệnh khiến nhiều diện tích cây trồng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, giảm năng suất, sản lượng. Không những thế, năm nay được xác định là năm khó khăn đối với lĩnh vực chăn nuôi bởi dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến cuộc sống người nông dân đã khó càng thêm khó.
Cán bộ chuyên môn phun hóa chất tiêu độc khử trùng hố chôn lợn mắc dịch tả châu Phi tại xã Chà Tở.
Thời điểm tháng 8/2018, người dân trên địa bàn huyện nghèo Nậm Pồ hứng chịu trận lũ lịch sử, nhiều diện tích hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị mất trắng, trong đó nặng nề nhất phải kể đến xã Chà Nưa. Ông Tao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết: Trận lũ tháng 8/2018 khiến xã thiệt hại hàng tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình thủy lợi, kênh mương bị tàn phá; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết; hàng chục héc ta ruộng, lúa nương bị vùi lấp, ngập úng… Trước tình hình đó, sau khi thiên tai qua đi, UBND xã đã rà soát, lập tờ trình đề nghị huyện hỗ trợ kinh phí cho người dân. Cùng với đó, chính quyền xã vận động nhân dân khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. Với những diện tích lúa bị đất, cát vùi lấp, không thể khôi phục, xã đã hướng dẫn người dân cải tạo đất, trồng thay thế bằng các giống lạc và ngô… Tuy nhiên, mọi nỗ lực của người nông dân cũng không mang lại nhiều kết quả khả quan khi cây ngô lại bị sâu keo mùa thu gây hại.
Chị Thùng Thị Ón, bản Nà Sự 1, xã Chà Nưa chia sẻ: Ðợt mưa lũ vừa qua ngoài thiệt hại về gia súc, gia cầm, gia đình tôi còn thiệt hại hàng nghìn mét vuông lúa. Dù đã khắc phục bằng cách trồng cây lạc thay thế nhưng năng suất kém. Người nông dân chúng tôi quanh năm chỉ bám vào nông nghiệp nhưng cứ như thế này thì bao giờ mới thoát nghèo?
Khi câu chuyện về thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra đối với nông dân huyện Nậm Pồ còn chưa lắng xuống thì mấy tháng nay, cuộc sống người dân trên địa bàn huyện tiếp tục bị đảo lộn khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện. Theo đó, cuối tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng huyện Nậm Pồ ghi nhận xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại xã Chà Tở, sau đó lây lan ra các xã trên địa bàn huyện. Ông Khoàng Văn Hiện, bản Nà Én, xã Chà Tở (một trong những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi) chia sẻ: Chăn nuôi giúp gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà kinh tế thêm vững hơn. Thế nhưng dịch bệnh khiến hàng chục con lợn của gia đình bị chết phải mang tiêu hủy, từ đó cuộc sống của gia đình tôi trở nên khó khăn và đảo lộn.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ, đến ngày 10/9/2019, toàn huyện có gần 300 hộ có lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi; phải đi tiêu hủy gần 2.000 con, trong đó các xã có số đàn lợn bị mắc dịch nhiều nhất là: Chà Cang, Chà Tở, Pa Tần.
Cũng như huyện Nậm Pồ, dịch tả lợn châu Phi khiến cuộc sống nông dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo gặp nhiều khó khăn. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện từ ngày 4/3/2019, đến nay đã có 14 xã, thị trấn (Mùn Chung, Mường Mùn, Ta Ma, Pú Xi, Rạng Ðông, Nà Tòng, thị trấn Tuần Giáo, Mường Thín, Chiềng Sinh, Nà Sáy, Quài Tở, Quài Cang, Quài Nưa, Mường Khong) có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Phòng đã tham mưu UBND huyện khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra nắm bắt tình hình, đồng thời chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, đối với những hộ chăn nuôi có lợn chết do dịch, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí nhằm chia sẻ khó khăn với người nông dân.
Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 96 xã, phường thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố với 579 thôn, bản, gần 3.600 hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch tả lợn châu Phi; phải tiêu hủy gần 15.000 con, tổng trọng lượng hơn 650.000kg. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan ra các xã, thôn, bản chưa có dịch; nhất là những địa bàn có mật độ nuôi lợn cao như huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ…
Không chỉ bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh cũng bùng phát trên nhiều diện tích cây trồng, khô hạn kéo dài khiến sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp không ít khó khăn. Ðiển hình như dịch châu chấu tre; sâu keo mùa thu, sâu cắn gié… Dẫu biết thiên tai, dịch bệnh là điều không tránh khỏi thế nhưng để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người dân, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai nhiều hoạt động, chủ động trong công tác phòng, ngừa góp phần giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.