Nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Điểm nổi bật của Đồng Nai trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Ngay cả những tuyến đường vào xóm, ấp ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai đều được nhựa hóa, bê tông hóa; được lắp đèn chiếu sáng; hai bên đường trồng hoa và thảm cây xanh; trường học, nhà văn hóa cũng được đầu tư khang trang, sạch đẹp…
Là chủ thể trong xây dựng NTM và trực tiếp thụ hưởng thành quả của chương trình này, chính người nông dân đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho những vùng quê.
* Dựa vào sức dân
Theo Hội Nông dân tỉnh, chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, nông dân đã đóng góp tổng cộng trên 500 tỷ đồng; trên 100 ngàn ngày công lao động, hiến trên gần 810 ngàn m2 đất để xây dựng hạ tầng NTM. Theo đó, hàng ngàn km đường giao thông nông thôn được làm mới và sửa chữa; kiên cố và nạo vét hàng trăm km kênh mương nội đồng…
Cùng với phong trào xây dựng NTM, có thêm nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ nên người dân đều tích cực hiến đất, góp của, góp công làm đường. Không giấu được sự hồ hởi khi gia đình và bà con lối xóm được đi lại trên con đường khang trang, sạch đẹp, ông Lang Văn Út, nông dân tại xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) cho biết, lúc đầu vận động dân đóng góp làm đường cũng gặp khó khăn vì họ nghĩ đây là trách nhiệm của Nhà nước. Nhưng chính lợi ích của những con đường khang trang khi đưa vào sử dụng đã thuyết phục họ. Cũng chính người dân tự nguyện đóng tiền lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, bỏ công trồng hoa, phân công quét dọn hằng ngày giữ cho đường sá luôn sạch, đẹp. “Việc vận động đóng góp cũng tùy vào sức dân, người khá giả hơn tình nguyện đóng thêm phần cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc thiểu số nghèo…” - ông Út nói thêm.
Ông Lê Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.Long Khánh cho biết, những tuyến đường vui thực sự do “dân bàn, dân thực hiện” đang không ngừng được nối dài… Người dân tự họp bàn, cùng nhau hiến đất, góp tiền, góp công, chọn thuê thi công, giám sát, nghiệm thu công trình... Nhờ đó, việc thi công một số tuyến đường bê tông có chi phí thấp hơn nhiều lần so với làm đường theo đúng quy trình, thủ tục của Nhà nước. “Khi nguồn kinh phí làm đường còn thiếu, chính quyền thành phố và các phường, xã nỗ lực vận động thêm từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Nhờ đó, nhiều tuyến đường được đầu tư sớm hơn so với kế hoạch đề ra và vượt hơn cả mong đợi ban đầu của người dân” - ông Quyên nói.
* Thi đua làm giàu chân chính
Với phương châm nông dân là chủ thể xây dựng NTM, nhiều địa phương luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, làm giàu ngay tại quê hương. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, địa phương cần một nguồn lực lớn để xây dựng NTM kiểu mẫu. Nhưng huyện không trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước mà luôn xác định tiếp tục dựa vào sức dân, thu hút nguồn vốn xã hội hóa cả trong đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn lẫn phát triển sản xuất.
Đồng Nai cũng có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… Theo đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực. Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhận xét, toàn tỉnh có gần 33 ngàn hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp cơ sở và trên 1,7 ngàn hộ giỏi cấp tỉnh, cấp trung ương. Phần lớn các hộ giữ vững danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Các “tỷ phú nông dân” xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê.
Ông Trần Thụy Nguyên (xã Xuân Tân, TP.Long Khánh), nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương nhiều năm liền chia sẻ: “Vườn sầu riêng xen canh măng cụt của tôi được công nhận là “Vườn cây kiểu mẫu của Long Khánh” nhờ luôn đạt năng suất, chất lượng cao. Có được thành quả này là nhờ tôi tiếp cận được nguồn vốn vay nên mới mạnh dạn chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng cây đặc sản”.
Về làm việc tại Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá, tỉnh có nhiều lợi thế về thị trường; tốc độ công nghiệp hóa nhanh tác động lan tỏa đến nông thôn; phát triển được nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao… để phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô hàng hóa lớn. Điểm nổi bật của Đồng Nai là tốc độ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là trong ứng dụng khoa học công nghệ cao diễn ra rất nhanh từ huyện điểm xây dựng NTM kiểu mẫu đến các địa phương khác.