Nông dân Lai Châu tập trung khôi phục sản xuất sau thiên tai
Huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là địa phương bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp trong đợt mưa lũ hồi đầu tháng 8 vừa qua. Tranh thủ trời nắng, những ngày này, bà con nông dân đang tập trung cải tạo đất, tích cực khôi phục lại các diện tích bị ảnh hưởng với mong muốn sớm có thu nhập để ổn định sản xuất và đời sống.
Từ sáng sớm, anh Lò Văn Sum ở bản Chiềng Ban 1, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (Lai Châu) đã cùng các lao động trong gia đình ra đồng tập trung cải tạo lại đất để trồng cấy. Đợt mưa lũ vừa qua, toàn bộ ruộng ớt trên 5.000m2 của gia đình anh đang xanh tốt đã bị nước lũ cuốn trôi. Vì vậy, gia đình đang phải tập trung làm đất để trồng lại, hoặc chuyển sang trồng màu theo hướng dẫn của chính quyền và ngành chức năng.
“Gia đình tôi làm mô hình ớt, đặc biệt là ớt đã xong rồi thì bị trôi hết phân, trôi hết giống. Đối với ớt tổng thiệt hại rơi vào khoảng 70 - 80 triệu. Ngoài ra, gia đình còn vị vùi lấp mất đất lúa cũng mất khoảng 1.000m2. Hiện gia đình đang cố gắng để khôi phục lại diện tích hỏng mà đã bị đất, đá vùi lấp và sẽ trồng lại trong thời gian tới”, anh Lò Văn Sum than thở.
May mắn hơn một chút, gia đình chị Lò Thị Quynh, ở bản Nà Dân, xã Mường Kim, huyện Than Uyên chỉ bị nước lũ làm hư hại một phần diện tích ruộng dưa leo gần 1.000m2. Ngoài cải tạo lại số đất ruộng bị vùi lấp để chuyển đổi cây trồng mới, hiện gia đình chị cũng đang tập trung chăm sóc diện tích dưa còn lại với mong muốn cho thu hoạch sản lượng cao.
“Ruộng dưa của gia đình đang phát triển rất tốt thì trận mưa lũ vừa qua đã làm thiệt hại gần nửa. Hiện gia đình tôi đang nhờ bà con về giúp để khôi phục lại ruộng dưa, cuốc đất và làm lại từ đầu để khôi phục lên. Gia đình rất mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ khắc phục trận mưa lũ vừa rồi, để bà con có cuộc sống ổn định hơn”, chị Lò Thị Quynh nói.
Trận mưa lũ lớn xảy ra hồi đầu tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại nặng về đối với sản xuất nông nghiệp ở Mường Kim, khi cả xã có gần 100ha cây trồng của hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng.
Sau khi cơn lũ đi qua, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo, hướng dẫn bà con tập trung triển khai công tác khắc phục. Đối với những diện tích bị mất trắng, hoặc đang bị vùi lấp bởi phù sa, thì tập trung đưa máy móc vào san gạt để bà con kịp trồng các loại cây trong vụ đông xuân sắp tới.
“Xã Mường Kim bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp tương đối lớn. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo bà con khắc phục những diện tích còn khôi phục được. Đối với những diện tích bị vùi lấp không khắc phục được thì chúng tôi cũng đã chỉ đạo các bản đăng ký để trồng màu; làm sao tận dụng được thời gian để tăng thu nhập cho bà con đối với những diện tích mà bị mất trắng”, ông Lò Quyết Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Than Uyên là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua. Riêng về sản xuất nông nghiệp, toàn huyện đã có hơn 200ha lúa và gần 40ha rau màu bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi; nhiều công trình kênh mương, thủy lợi bị sạt, gãy... ước tổng giá trị thiệt hại hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là ở các xã Mường Kim, Mường Cang, Tà Mung, Khoen On...
Ông Nguyễn Trọng Hưởng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên cho biết, ngay sau mưa lũ xảy ra, Phòng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo các xã tập trung rà soát, thống kê thiệt hại và triển khai công tác khắc phục ban đầu. Bên cạnh đó, hướng dẫn chuyển đổi sang trồng rau màu với các diện tích lúa không thể khôi phục và tham mưu cho huyện triển khai các chính sách hỗ trợ, nhằm giúp bà con sớm ổn định sản xuất và đời sống.
“UBND huyện đang chỉ đạo tập trung khắc phục đối với những diện tích mà đang có nguy cơ bị ngập úng thì tiếp tục khơi thông thoát nước, chăm sóc và công tác phòng trừ sâu bệnh để cho giảm thiểu thiệt hại về thiên tai cho nhân dân. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chủ động phối hợp với các xã tổ chức chỉ đạo bà con phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để thực hiện nhanh việc trồng cây, đảm bảo kế hoạch sản xuất năm 2023 của huyện”, ông Nguyễn Trọng Hưởng cho biết thêm.
Than Uyên là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lai Châu. Những năm qua, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế mới, với các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, cà chua, dưa leo, bí xanh, lúa hàng hóa tập trung, chăn nuôi đại gia súc....
Với sự chủ động của người dân và sự vào cuộc quyết liệt trong hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy, chình quyền địa phương, tin tưởng những diện tích bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ sẽ sớm được khôi phục. Qua đó, giúp nông nghiệp - ngành kinh tế chủ lực của địa phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.