Nông dân làm giàu với nông nghiệp công nghệ cao ở Yên Mô
Cách đây 5 năm, với sự đồng hành của HTX nông nghiệp Quảng Công, ông Hoàng Đình Thắng, xã Yên Thái, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình quyết định chuyển đổi toàn bộ 0,5 ha lúa ở khu đồng trũng, kém hiệu quả, sang trồng rau quả VietGAP.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về khoa học kỹ thuật, đầu tư mạnh cho hạ tầng, đặc biệt là sự hỗ trợ thiết thực cả về sản xuất và thị trường tiêu thụ của HTX Quảng Công, ông Thắng có được thành công ngay trong vụ đầu sản xuất, thu về gần 150 triệu đồng từ dưa chuột và cà chua.
Nâng cao giá trị kinh tế
Kể từ thắng lợi đầu tiên đến nay, diện tích sản xuất của ông Thắng liên tục được mở rộng, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng đảm bảo, giúp thu nhập của mô hình cũng tăng lên đáng kể.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Yên Mô hiện có 38 ha sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP, ứng dụng công nghệ cao (một phần hoặc toàn bộ), canh tác trong nhà lưới, tưới nước tiết kiệm, cho giá trị thu nhập 300 - 500 triệu đồng/ha.
Bên cạnh rau quả VietGAP, những năm qua, huyện Yên Mô cũng tích cực hỗ trợ chuyển đổi mô hình trồng lúa theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Hiện, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt trên 60% tổng diện tích.
Các xã Yên Thái, Yên Lâm, Yên Mạc, Yên Phong đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tổ chức canh tác luân canh 4 vụ/năm các cây màu có giá trị kinh tế cao với quy mô 80 ha cho giá trị thu hoạch 200 - 350 triệu đồng/ha.
Trong năm 2023, huyện Yên Mô cũng đang triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ và hỗ trợ áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới. Các dự án được thực hiện tại HTX Nam Thành, xã Yên Thành; HTX Nam Yên, xã Yên Lâm, HTX Vân Trà, xã Yên Thắng; HTX Đông Thượng, xã Khánh Thượng; HTX Liên Dương, xã Khánh Dương. Quy mô thực hiện trên diện tích gần 190 ha, sản xuất các giống lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ hoặc áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa.
Đến nay, qua đánh giá cho thấy, các mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ và áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa được hỗ trợ trên địa bàn huyện Yên Mô đều đạt hiệu quả cao.
Điển hình, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Yên Thành có năng suất lúa đạt 69,2 tạ/ha. Dự án hỗ trợ áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa tại xã Yên Lâm đạt năng suất 80,6 tạ/ha, xã Yên Thắng đạt 66,7 tạ/ha, xã Khánh Thượng đạt 77,8 tạ/ha, xã Khánh Dương đạt 69,4 tạ/ha…
Thúc đẩy nông nghiệp hiện đại
Hiệu quả của các mô hình sản xuất hàng hóa giúp Yên Mô đạt được nhiều thành công trong công tác giảm nghèo. Tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn trên dưới 1,16%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên. Huyện đặt mục tiêu giảm thêm 0,3-0,5% hộ nghèo trong năm 2023.
Có thể thấy, quá trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô đang đi đúng hướng. Để tạo ra những đột phá lớn hơn, kể từ năm 2022 đến nay, huyện Yên Mô đã tích cực triển khai Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025.
Chỉ sau hơn một năm triển khai, Nghị quyết đã và đang tạo động lực để các địa phương phát triển, nông dân giảm nghèo, làm giàu. Cụ thể, huyện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất rau quả hàng hóa tập trung. Giá trị sản xuất bình quân hiện đạt xấp xỉ 150 triệu đồng/ha/năm, và đang hướng tới mục tiêu đạt 155 triệu đồng/ha/năm vào năm 2025.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Yên Mô, để đưa Nghị quyết vào thực tế, huyện đã “mở màn” bằng việc hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng 4 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích tối thiểu 1.000m2 để trồng dưa và rau theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước của Israel, tập trung ở 3 xã Yên Phong, Yên Từ và Mai Sơn.
Đến nay, các mô hình đã bắt đầu cho kết quả tích cực. Điển hình như mô hình của ông Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong, với 2 nhà màng hiện đại, tổng diện tích 2.000m2, trồng chuyên canh giống dưa lưới xanh công nghệ cao.
Ông Quyên cho hay, trước đây, gia đình phát triển sản xuất trên diện tích hơn 5ha đất ruộng, trồng và phát triển các loại cây ăn quả, trồng nấm, cho giá trị khá cao so với cấy lúa, tuy nhiên quá trình tiêu thụ rất khó khăn, phụ thuộc vào thương lái, nỗi lo “được mùa dội chợ” vẫn thường trực.
“Sau khi nhận được sự đồng hành của địa phương về kỹ thuật, đồng thời được cam kết hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng, tôi bắt tay vào xây dựng nhà lưới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó thu nhập được nâng lên đáng kể, những nỗi lo về thị trường cũng không còn”, ông Quyên chia sẻ.
Ước tính năm 2022, gia đình ông Quyên thu được 16 tấn dưa với giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí có lãi gần 400 triệu đồng. Với hiệu quả từ cây dưa đem lại, năm 2023, ông Quyên tiếp tục mở rộng diện tích trồng dưa trong nhà màng, nhà lưới lên 7.000 m2 với tỷ lệ quay vòng 4 vụ/năm.
Phát triển sản phẩm thế mạnh
Rõ ràng, việc huyện Yên Mô kịp thời triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025 đã và đang mở ra cơ hội để người nông dân tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nâng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đúng hướng, cùng sự đồng hành của các HTX, doanh nghiệp cũng là điểm tựa để huyện Yên Mô triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn trong những năm qua.
Theo thống kê, chỉ trong hơn 3 năm trở lại đây, huyện Yên Mô đã phát triển được 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, chủ yếu là nông sản hàng hóa, sản phẩm đặc trưng của từng vùng. Việc có được chứng nhận OCOP là điều kiện để các chủ thể sản xuất là nông dân, HTX nâng cao thương hiệu, gia tăng giá trị kinh tế, tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tiếp tục những thành công đang có, năm 2023, huyện Yên Mô đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm ít nhất 5 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Ngay từ những tháng đầu năm, với sự hỗ trợ của huyện, các chủ thể được lựa chọn đã tích cực chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí sản phẩm OCOP.
Để đạt mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP năm 2023, huyện tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với chính sách hỗ trợ hiện hành của tỉnh, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng, chuẩn hóa mỗi sản phẩm OCOP là 50 triệu đồng/sản phẩm theo Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 25/3/2022 và Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 26/9/2022 của HĐND huyện…