Nông dân loay hoay với giống sắn bị bệnh khảm lá
Vùng trồng sắn xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) bị bệnh khảm lá, cây thấp còi, lá nhăn nheo. Ảnh: LÊ TRÂM
Sắn là một trong ba cây trồng chủ lực của người dân trong tỉnh. Thế nhưng liên tiếp trong nhiều năm qua, loại cây trồng này thường xuyên bị bệnh khảm lá virus gây hại. Trên các vùng gò đồi, cây sắn bị xoắn lá thấp còi, cho năng suất thấp, chất lượng giảm nhưng bà con vẫn cứ loay hoay chưa tìm được lối ra.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, bệnh khảm lá virus gây hại sắn là loại bệnh nguy hiểm chưa có thuốc phòng trừ. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ gây hại nghiêm trọng, làm giảm năng suất, chất lượng sắn.
Giống sắn bị nhiễm bệnh vẫn cứ trồng
Người dân trồng sắn ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vừa thu hoạch xong vụ sắn 2021 và đang bắt đầu vụ mới. Trong khi ngành chức năng đang nỗ lực nghiên cứu, lai tạo những giống sắn mới, bà con nông dân loay hoay chưa biết tìm giống sắn nào sạch bệnh để thay thế.
Gia đình ông Bùi Văn Thành ở xã Đa Lộc thuê máy cày chảo xới 3 sào đất trồng sắn. Ông Thành tâm sự: Tôi canh tác sắn hơn 20 năm. Trước đây sắn không bị bệnh, lá xanh mượt, củ to bằng bắp tay, dài gần nửa mét. 5 năm nay, tôi thấy bệnh khảm lá luôn đeo bám loại cây này. Khi sắn bị bệnh, lá xoắn lại nhăn nheo, cây không phát triển, thấp còi. Khi thu hoạch, củ của nó chỉ bằng ngón chân cái là to nhất. Vì không có giống sắn mới để trồng nên giờ tôi đành phải trồng lại giống sắn cũ bị nhiễm bệnh khảm lá.
Dọc theo vùng gò đồi xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, cây sắn trồng cao chưa quá gang tay người lớn đã bị xoắn đọt. Ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Xuân Quang 3 cho biết: “Không có giống sắn mới để thay thế nên tôi buộc phải trồng giống sắn cũ dù biết nó đã bị nhiễm bệnh. Năm trước, tôi trồng 0,5ha, bán tại ruộng với giá 1.600 đồng/kg. So với các năm trước đó, giá sắn năm 2021 cao hơn, nhưng do ít củ nên thu chưa đến 1,5 triệu đồng. Tôi nghe ở xã Xuân Phước kế bên có người được hỗ trợ giống sắn mới sạch bệnh nhưng số lượng ít. Gia đình tôi mong muốn sớm tiếp cận được giống sắn sạch bệnh để yên tâm canh tác”.
Huyện Tây Hòa có diện tích trồng sắn trải rộng từ Hòa Thịnh sang Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây. Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện này, diện tích trồng sắn là 2.810ha, đến cuối tháng 2 vừa qua, có đến 2.000ha bị bệnh khảm lá, tỉ lệ bệnh 70-100%. Ông Nguyễn Văn Long ở xã Hòa Mỹ Tây cho hay: Cây sắn đã gắn bó lâu nay với hầu hết người dân địa phương. Dù bị bệnh khảm lá hoành hành thời gian gần đây nhưng loại cây này ưa đất vùng gò đồi. Cây sắn dễ trồng, chịu hạn, làm lương thực tại chỗ bằng cách nấu, xay bột làm bánh nên bà con vẫn gắn bó.
Theo ông Đào Văn Roa, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cây sắn đem lại giá trị kinh tế cao, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp vùng gò đồi. 5 năm gần đây, toàn bộ diện tích sắn tại địa phương nhiễm bệnh khảm lá, mức độ ngày càng tăng. Hiện người dân vẫn có thói quen giữ cây lại làm giống cho mùa sau, trong khi giống sạch bệnh chưa có để thay thế.
Chọn giống ít nhiễm bệnh
Tại Sông Hinh, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện niên vụ 2020-2021 là 12.306ha, năng suất bình quân đạt 175 tạ/ha, giảm 40 tạ/ha so với niên vụ trước. “Thời tiết nắng hạn, bệnh khảm lá gây hại làm năng suất sắn giảm, dẫn đến giảm thu nhập của người dân. Kế hoạch năm 2022, toàn huyện giảm diện tích trồng sắn xuống còn 10.000ha. Việc giảm diện tích sắn, tăng diện tích mía, hoa màu và trồng các cây ăn quả khác nhằm tăng thu nhập cho nông dân”, ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, niên vụ sắn 2021-2022, nông dân toàn tỉnh đã trồng 29.709ha, đến nay thu hoạch 24.048,8ha; ước năng suất bình quân khoảng 166 tạ/ha. Trong khi đó, theo kế hoạch ngành Nông nghiệp đề ra năng suất sắn đạt 220 tạ/ha. Niên vụ 2022-2023, toàn tỉnh trồng 13.132ha, đang trong giai đoạn mầm, phát triển thân lá. Hiện bệnh khảm lá virus gây hại là 5.521,5ha. Trong đó, huyện Sông Hinh 2.000ha, Đồng Xuân diện tích nhiễm 1.500ha, Phú Hòa diện tích nhiễm 20ha… Niên vụ sắn 2022-2023, các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng. Người dân không nên trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11 ở các vụ sau. Trong giai đoạn sắn phát triển thân lá, người trồng cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân; khi phát hiện cây bị bệnh thì nhổ loại bỏ cây bị bệnh…
Trung tâm Khuyến nông đang triển khai dự án Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm. Dự án này có quy mô 20ha, thực hiện tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân). Qua kiểm tra, tuy bị bệnh khảm lá virus gây hại nhưng sắn đã có từ 4-6 củ/gốc, trọng lượng củ khoảng 1kg/gốc. Ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng triển khai các mô hình phòng, chống bệnh khảm lá tìm giống sắn sạch bệnh.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/272118/nong-dan-loay-hoay-voi-giong-san-bi-benh-kham-la.html