Nông dân Lộc Ninh chủ động hàng hóa phục vụ tết
Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây cũng là thời điểm nông dân địa bàn huyện Lộc Ninh nói riêng và cả tỉnh nói chung tập trung chăm sóc vườn cây để có những sản phẩm hàng hóa tốt nhất phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tâm thế chuẩn bị của nhà nông cũng có sự khác biệt so với mọi năm.
Chủ động giảm diện tích và sản lượng
Gần 20 năm gắn bó với nghề trồng rau, vợ chồng ông Nguyễn Văn Biên, ở ấp 4, xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh chưa từng gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị sản xuất rau sạch phục vụ tết như năm nay. Để có rau kịp bán trong dịp tết, vợ chồng ông chuẩn bị mọi điều kiện từ giống đến khâu chăm sóc với mong muốn một vụ mùa tết bội thu. Tuy nhiên, lo ngại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đầu ra và chi phí sản xuất tăng cao, gia đình ông cũng như 14 thành viên Tổ hợp tác rau sạch, an toàn Lộc Thái chỉ đầu tư khoảng 70% diện tích so với những năm trước.
Theo ông Biên dự đoán, dịch bệnh kéo dài đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đời sống người dân cũng gặp khó khăn. “Khó khăn vẫn là đầu ra, nhu cầu mua sắm tết của người dân sẽ giảm nhiều. Vì thế, các thành viên Tổ hợp tác rau sạch, an toàn chỉ sản xuất lượng nhất định phù hợp với nhu cầu thị trường tết, chứ không sản xuất hết công suất như mọi năm” - ông Biên nói.
Đam mê với nghề trồng quất phục vụ tết cổ truyền nhiều năm, ông Phạm Quyết Thắng ở ấp Thắng Lợi, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cũng dè chừng trước sự khó khăn do nhu cầu đầu ra của sản phẩm trong dịp tết Nguyên đán năm nay. Với hơn 2 sào đất, mọi năm ông đều đầu tư trồng 500 cây quất cảnh để bán chưng tết, với giá bán tại vườn từ 450 ngàn đến 1 triệu đồng/cây. Nhưng năm nay, lo ngại dịch bệnh, ông cũng chủ động giảm số lượng cây quất xuống còn một nửa. “Trồng quất từ khâu làm đất đến thành phẩm bán ra thị trường đòi hỏi phải chuẩn bị ngay từ những tháng đầu năm. Lường trước tình hình thị trường tết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tôi cũng đã chuẩn bị tư tưởng ngay từ đầu năm. Thành ra tất cả hộ trồng quất ở đây đều giảm 50% số lượng cây. Thời điểm này, như mọi năm rất nhiều đầu mối thương lái gọi điện đặt hàng gần hết, nhưng giờ này dù chỉ 250 cây thôi mà đầu ra cũng rất khó khăn” - ông Thắng cho biết.
Đa dạng hóa sản phẩm
Có thể nói, tết cổ truyền dân tộc là thị trường lớn và nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đa dạng nhất trong năm. Mùa vụ năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tết. Vì vậy, hầu hết các nhà vườn cũng đã chủ động giảm diện tích, sản lượng cây trồng. Song việc đa dạng hóa sản phẩm luôn được các nhà vườn chú trọng quan tâm và xem đây là điểm mạnh bù lại cho sự khó khăn khi không thể tăng diện tích và sản lượng cây trồng. Điển hình như hộ ông Biên, chỉ hơn 3 sào đất nhưng trồng đủ các loại rau, gia vị, hoa cúc vàng, cúc đại đóa. Ông Biên chia sẻ: “Do tác động của dịch bệnh nên chúng tôi không dám mở rộng diện tích, tăng sản lượng đánh liều với rủi ro. Nhưng bù lại chúng tôi vẫn luôn duy trì sự đa dạng với các loại cây trồng trong vườn. Bởi nhu cầu mua sắm hàng hóa tết của người tiêu dùng rất đa dạng”.
Đến thời điểm này, các nhà vườn đều bận rộn, chạy đua với thời gian chuẩn bị các mặt hàng để phục vụ nhu cầu tết tốt nhất. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến tâm lý sản xuất của nông dân. Chủ động thích ứng và có tính toán phù hợp, dự đoán phần nào sức tiêu thụ của thị trường sau 1 năm chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 là điều cần thiết với nông dân. Và nông dân đều ý thức, chủ động điều chỉnh hoạt động sản xuất để đảm bảo cung không quá vượt cầu, tránh thiệt hại nặng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh Lê Khắc Phú cho biết: “Năm nay, nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, nông dân cũng đã nhận thức được, dự báo rồi tính toán sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường tết, tránh rủi ro. Bên cạnh đó, nông dân cũng luôn duy trì sự đa dạng hóa mặt hàng nông sản. Tôi thấy đây là điều rất hợp lý với nhu cầu thực tế của thị trường tết cổ truyền năm nay”.
Các hoạt động sản xuất đều được nông dân tính toán kỹ, chủ động giảm diện tích, giảm sản lượng so với mọi năm để tránh rủi ro cao. Họ kỳ vọng, mong mọi việc suôn sẻ hơn để rau màu, hoa quả, cây cảnh tết được mùa, được giá, để nông dân đón tết an vui và ấm no.